Ba mẹ đã bao giờ rơi vào tình trạng cáu gắt và la mắng con khi con không nghe lời? Ba mẹ đã bao giờ nói mãi mà con không chịu nghe và thậm chí còn phớt lờ lời nói của ba mẹ? Hay thậm chí là con ăn vạ, cáu giận với ba mẹ? Nếu ba mẹ đang gặp những vấn đề trên thì đây là bài viết dành cho mình. Kiddi.vn sẽ chia sẻ cho ba mẹ cách dạy con nghe lời mà không cần la hét, ngay trong bài hát sau đây.
Trẻ không nghe lời ba mẹ thực ra có 3 nguyên nhân chính:
- Trẻ không nghe lời vì trẻ thật sự không nghe thấy ba mẹ nói gì. Ở trường hợp này thì ba mẹ hoàn toàn có thể giải quyết bằng cách lặp lại câu nói.
- Trẻ không hiểu những gì ba mẹ nói. Chúng ta thường đưa ra cho trẻ những lời giải thích dài dòng về những gì bố mẹ muốn con làm, nhưng các bậc phụ huynh lại quên mất rằng não của trẻ hoạt động khác với chúng ta. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, quá nhiều thông tin ba mẹ đưa ra có thể làm trẻ không xử lý kịp.
- Trẻ không nghe lời vì trẻ thật sự không muốn. Có đôi khi ba mẹ mong muốn trẻ làm một điều gì đó như bắt trẻ ra về khi đang chơi với ba mẹ, bắt trẻ đi ngủ nhưng trẻ lại phớt lờ ba mẹ thì hãy hiểu rằng có những lúc trẻ thật sự không muốn chứ không phải là ương bướng.
Nếu đã loại bỏ những nguyên nhân trên hoặc ba mẹ đã cố gắng làm tất cả mọi điều phía trên thì ba mẹ bắt đầu sẽ cần những cách dạy con nghe lời khéo léo và nghiêm túc hơn dưới đây:
1. Hãy nói con NÊN làm gì, đừng nói KHÔNG NÊN làm gì
Rất nhiều bố mẹ dạy con nghe lời bằng cách nói con không nên làm gì ví dụ như:
- Con đừng qua đường
- Con đừng đụng tay vào vật đó
- Con đừng ăn vật đó
Việc ba mẹ yêu cầu trẻ không nên làm gì đó sẽ khiến trẻ phải xử lý gấp đôi lượng thông tin: KHÔNG ĐƯỢC - LÀM GÌ ĐÓ. Trong khi nếu ba mẹ đưa cho trẻ một lời khuyên nên làm gì đó thì trẻ chỉ cần tập trung vào ý LÀM GÌ ĐÓ như lời bố mẹ mà thôi.
Bên cạnh đó, việc ba mẹ yêu cầu trẻ không nên làm gì nhưng lại không nói cho trẻ cách làm thế nào cho đúng, vậy nên trẻ có thể lặp lại lỗi sai này bất kì khi nào.
Cách dạy con nghe lời trong trường hợp này là hãy thử nói con nên làm gì cụ thể, thay vì “Đừng để đồ chơi của con khắp nhà”, hãy thử “Con bỏ đồ chơi của con vào thùng đồ chơi nhé”.
Thay vì "Đừng đi ra đường", hãy thử "Con chỉ được chơi ở khu vực này thôi nhé."
Nếu con làm đúng như những gì ba mẹ nói, hãy dành cho con một lời cảm ơn để trẻ biết được rằng trẻ vừa làm một điều đúng đắn. trẻ sẽ có ý thức luôn hành động đúng để nhận được lời khen từ bố mẹ.
Xem thêm: 10 Tips đơn giản để dạy trẻ ngang bướng trở nên ngoan ngoãn nghe lời
2. Kiên nhẫn quan sát và dẫn dắt trẻ
Rất nhiều ba mẹ khi yêu cầu con làm một điều gì đó nhưng khi quay lại không thấy con làm thường sẽ cáu giận hoặc lặp đi lặp lại yêu cầu của mình, tới một lúc nào đó sẽ dẫn đến việc bố mẹ la hét, nóng giận. Cách giải quyết tích cực trong trường hợp này là hãy quan sát và đưa ra gợi ý nếu trẻ không làm theo.
Thay vì bảo con là “con nhặt đồ chơi ngay cho mẹ” thì hãy dẫn dắt “Đồ của con rớt trên sàn kìa, giờ mình phải làm gì bây giờ nhỉ?”. Nếu trẻ chưa biết, ba mẹ hãy hướng dẫn trẻ bỏ đồ vào thùng đồ chơi, những lần tiếp theo khi ba mẹ hỏi vậy thì trẻ sẽ tự biết bỏ đồ vào thùng. Mấu chốt ở đây là không yêu cầu trẻ làm gì mà hãy đưa ra câu hỏi để trẻ đưa ra câu trả lời. trẻ sẽ cảm thấy mình có nhiều “quyền lực” hơn, được mẹ tin tưởng hơn thì trẻ sẽ chủ động làm theo mong muốn của ba mẹ.
Và luôn nhớ bài học, khi trẻ làm đúng hãy khen ngợi và dành lời cảm ơn cho trẻ để mọi thứ trở nên tích cực hơn.
3. Đặt ra những quy tắc và hình phạt rõ ràng
Hãy đặt ra những quy tắc rõ ràng với trẻ, việc đưa quy tắc rõ ràng sẽ giúp ba mẹ giảm đi những lần phải la hét, cáu gắt. Ví dụ như thời gian ăn uống, thời gian chơi, dọn dẹp sau khi chơi xong...v.v. Ba mẹ phải luôn giải thích những hậu quả nếu trẻ không làm đúng theo những quy định này, đi kèm với đó là những hình phạt nếu trẻ vi phạm quy tắc.
Ví dụ, ba mẹ có thể nói: "Nếu con không dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi thì con sẽ bị phạt không được chơi vào ngày hôm sau”. Vì việc được chơi phụ thuộc vào lựa chọn của trẻ nên sẽ có xu hướng lựa chọn điều tích cực và làm theo những gì ba mẹ mong muốn.
Ở cách dạy con nghe lời này cũng sẽ có một lưu ý nhỏ là đôi khi hình phạt có hiệu quả với đứa trẻ này nhưng không có hiệu quả với đứa trẻ khác. Hãy chọn hình phạt có đủ tính răn đe và quan trọng với trẻ để trẻ có thể nghe lời ba mẹ.
4. Hãy xem lại lý do ba mẹ nổi giận
Nếu ba mẹ la mắng hoặc sử dụng đòn roi với con, hãy cố gắng tìm hiểu xem tại sao con lại phản ứng như vậy. Nếu ba mẹ đang la hét vì tức giận, hãy học cách để bình tĩnh lại. Điều này sẽ giúp ba mẹ làm gương cho con về việc kiểm soát được cảm xúc của mình. Các trẻ ăn vạ, la hét khi bị la mắng có xu hướng là bố mẹ chúng cũng là người thích la hét và áp dụng những cách dạy con nghe lời tiêu cực.
Hãy dành thời gian cho ba mẹ thân để bình tĩnh lại, thấu hiểu con hơn. Trừ những tình huống nguy hiểm cần phản ứng ngay thì hãy đợi đến khi ba mẹ bình tĩnh mới nói chuyện với con
Đôi khi, ba mẹ la mắng và bực tức với trẻ chỉ bởi vì ba mẹ đang gặp áp lực với cuộc sống trẻn ngoài, và đứa trẻ, không may với hành động nhỏ không đáng bị la mắng lại trở thành đối tượng trút giận của ba mẹ. Đây là một hành động phản giáo dục và không được khuyến khích ở bất kì nền giáo dục nào.
Tóm lại, tránh cằn nhằn hoặc lặp đi lặp lại lời yêu cầu hoặc cảnh cáo với con. Thay vào đó, hãy đưa ra những quy tắc, nếu trẻ làm sai thì hãy thực hiện hình phạt như những gì ba mẹ đã trao đổi với trẻ trước đó để cho trẻ thấy rằng ba mẹ nói thì ba mẹ sẽ làm. Không đưa ra những lời ra lệnh mà hãy dẫn dắt con để con làm đúng. Luôn khen ngợi khi con làm tốt một việc gì đó để trẻ cảm thấy mình đã làm được việc tốt và được bố mẹ tôn trọng.
Với những cách dạy con nghe lời mà Kiddi chia sẻ, hi vọng ba mẹ có thể kiên nhẫn và áp dụng những phương pháp phù hợp giúp con nghe lời mà không cần phải la hét hay sử dụng hình phạt tiêu cực.
Bình luận về bài viết