Tại Việt Nam, những năm gần đây số trẻ tự kỷ đang có xu hướng gia tăng (cứ 1.000 trẻ thì có 2 - 5 trẻ bị tự kỷ), đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm đặc biệt biệt là các ba mẹ. Dù bé nhà bạn có mắc hội chứng tự kỷ hay không, ba mẹ cũng nên tìm hiểu biểu hiện và dấu hiệu của trẻ tự kỷ để có sự quan sát và cái nhìn khách quan về trẻ tự kỷ.
Trẻ mắc bệnh tự kỷ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, trí tuệ mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tương lai của bản thân và là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được trợ giúp ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức để có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Vậy dấu hiệu của trẻ mắc hội chứng tự kỷ là gì? Con chậm nói có phải có dấu hiệu tự kỷ? Dấu hiệu sẽ biểu hiện ra từ khi trẻ mấy tuổi? Ba mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết nhé!
Tự kỷ đôi khi có những dấu hiệu xuất hiện khi trẻ còn rất nhỏ, nhưng cũng không ít trường hợp phát triển bình thường cho đến năm 3-4 tuổi mới hình thành các triệu chứng. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn có thể nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ tự kỷ nhẹ qua một số khía cạnh, bao gồm: Khả năng giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội.
Thiếu hụt kỹ năng giao tiếp
Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn về lời nói và ngôn ngữ, dẫn đến nhiều hạn chế trong giao tiếp. Dù mỗi trẻ tự kỷ có các kỹ năng giao tiếp khác nhau nhưng phần lớn đều chậm hoặc kém hơn so với độ tuổi.
Ở khía cạnh này, các dấu hiệu trẻ tự kỷ nhẹ gồm:
Chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ.
Nói nhại lời, diễn đạt kém, nói ngược.
Không biết đặt câu hỏi, không thể trả lời các câu hỏi đơn giản như “Con tên gì?” “Con mấy tuổi?”
Lặp đi lặp lại một từ hoặc cụm từ nhất định nhưng không hiểu nghĩa.
Không dùng cử chỉ, điệu bộ để diễn tả nhu cầu, mong muốn của bản thân.
Giảm tương tác xã hội
Một trong những dấu hiệu trẻ tự kỷ nhẹ mà phụ huynh có thể nhận biết sớm là giảm tương tác xã hội. Đây cũng là vấn đề cơ bản mà hầu hết trẻ tự kỷ mắc phải và khác biệt rõ ràng so với trẻ bình thường, bao gồm:
Ít hoặc không giao tiếp bằng mắt.
Thường có xu hướng chỉ thích chơi một mình, ít tương tác với bạn cùng lứa hoặc chạy theo trẻ khác một cách vô thức.
Ít đáp ứng khi được gọi tên.
Ít hoặc không có những cử chỉ điệu bộ để giao tiếp như chào, tạm biệt, lắc đầu, ạ, xua tay…
Ít cười đáp lại, ít để ý đến thái độ của người khác.
Không thích chia sẻ niềm vui, nỗi buồn hoặc sở thích của bản thân.
Hành vi, sở thích bất thường
Bất thường về hành vi, sở thích cũng là một dấu hiệu cảnh báo trẻ tự kỷ. Trong một số trường hợp, trẻ bình thường cũng có những hành vi mà trẻ tự kỷ thường có như đi kiễng gót, quay bánh xe… Tuy nhiên, các dấu hiệu trẻ tự kỷ nhẹ sẽ rõ ràng và lặp lại một cách thường xuyên. Cụ thể:
Trẻ có những hành vi định hình như quay tròn người, ngắm nhìn tay, nhìn nghiêng, lắc lư người, vỗ hoặc vẫy tay…
Trẻ luôn cầm hoặc nắm một thứ gì đó trong tay như bút, que, giấy, búp bê…
Thói quen rập khuôn: gõ đập đồ chơi, chỉ thích một bộ phận của đồ chơi, xếp các thứ thành hàng, đi về theo đúng một đường…
Ngoài những biểu hiện ở trên, trẻ tự kỷ nhẹ còn đi kèm một vài vấn đề khác, chẳng hạn: hiếu động quá mức, luôn tay luôn chân hoặc rất khó ngủ.
Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp tích cực từ sớm sẽ cơ hội hòa nhập tốt hơn các trường hợp nặng, phát hiện muộn hoắc điển hình. Vì vậy, ba mẹ hãy quan tâm con, trò chuyện với con nhiều để nắm bắt tâm lý và sự phát triển của con ba mẹ nhé! Nếu ba mẹ đang quan tâm có thể tìm hiểu thêm về nguyên nhân của hội chứng tự kỷ tại BÀI VIẾT.
Cùng tham gia cộng đồng chia sẻ, review, hỗ trợ tìm trường mầm non tốt cho con ở HÀ NỘI VÀ TP.HCM để tham khảo nhiều thông tin hữu ích nhé!
Bình luận về bài viết