Thời gian qua không ít ba mẹ đau đầu về việc học online của con. Ngồi trước màn hình máy tính, không có sự kiểm soát của giáo viên, trẻ thường không chú ý vào bài học hoặc ở nhà trẻ luôn có cớ nhõng nhẽo với ba mẹ, làm mất thói quen tập trung học tập như ở trên lớp. Vậy ba mẹ hãy thử những cách sau để giúp trẻ tập trung học tập trở lại sau kỳ nghỉ dịch dài nhé.
1. Không gian học yên tĩnh
Không gian xung quanh ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần học tập của trẻ. Nơi có quá nhiều âm thanh nói cười, nhiều người đi qua lại, có tiếng nhạc, tiếng phim hoạt hình hay một trò chơi hấp dẫn đang diễn ra đâu đó,... sẽ khiến não bộ của trẻ bồn chồn, tò mò, trẻ khó tập trung, dễ xao nhãng với bài giảng.
Trong khi học tập tại trường, trẻ học trong môi trường nghiêm khắc cùng các bạn, giờ học ra học, chơi ra chơi, mình cũng như bạn nên trẻ không bị phân tâm bởi bất cứ hành động khác biệt nào xung quanh. Vì vậy, ba mẹ cần kiểm tra lại không gian con thường ngồi học online đã đủ yên tĩnh, gọn gàng hay chưa và sắp xếp cho thật trật tự như ở lớp để bé duy trì sự tập trung khi học. Như vậy, khi trở lại lớp học, trẻ sẽ quay lại nền nếp nhanh hơn.
2. Học và nghỉ ngơi hợp lý
Thông thường, một tiết học ở lớp của trẻ kéo dài 30-45 phút, sau đó nghỉ ngơi hoặc có các bài tập thể dục để thư giãn. Các nghiên cứu cũng cho biết rằng, bộ não sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi nó được nghỉ ngơi, thư giãn sau một khoảng thời gian làm việc căng thẳng.
Vậy nên, dù học ở nhà, ba mẹ vẫn nên duy trì thời gian biểu này cho trẻ đến khi đi học trở lại. Giờ nghỉ giải lao giữa các giờ học, gia đình có thể cùng tổ chức trò chơi để tâm trạng của con được thoải mái hơn, quá trình học tập cũng vì thế mà trở nên hiệu quả hơn. Một vài bài tập thể dục đơn giản cũng vừa giúp trẻ nâng cao sức khỏe, vừa giúp đầu óc được thư giãn, nâng cao khả năng tập trung học và làm những công việc tiếp theo.
3. Tạo các hoạt động tăng cường sự tập trung
Có lẽ, một trong những lý do trẻ thiếu tập trung khi học ở nhà là ba mẹ chưa tổ chức được các hoạt động phù hợp, khiến trẻ thích thú như ở trên lớp. Hiện nay, các trường học rất đầu tư tìm hiểu và áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại để kích thích tinh thần học hỏi, sáng tạo của trẻ. Vì vậy, ba mẹ có thể tham khảo phương pháp tổ chức chơi và học cho trẻ từ giáo viên của con để thực hiện ở nhà.
Phương pháp dạy trẻ được chú ý nhất hiện nay đó là dạy học dựa trên hình ảnh, video, âm thanh.... Ngoài ra, ứng dụng công nghệ riêng trong học tập cũng khiến trẻ hứng thú hơn nhiều trong học tập. Trong mỗi hoạt động, ba mẹ nên lý giải cách thức chơi như thế nào, trẻ sẽ ghi nhớ rất nhanh, rất lâu.
Ngoài ra, trẻ sẽ hứng thú và chủ động hơn với những cái mình thích nên ba mẹ hãy tìm hiểu con đang muốn điều gì nhằm tạo ra hoạt động vui chơi hay học tập có giá trị.
4. Cho trẻ ngủ đủ giấc
Dù học ở lớp hay học ở nhà, trẻ cũng cần ngủ đủ giấc về đêm và giữa trưa. Theo nghiên cứu, trẻ em cần ngủ từ 10 đến 11 tiếng mỗi ngày, tính cả giấc ngủ trưa và ban đêm. Trẻ nhỏ cũng giống như người lớn khi không được ngủ đủ giấc sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, chán nản, uể oải, giảm chú ý, trí nhớ kém. Một giấc ngủ ngon sẽ khiến trẻ đủ năng lượng để học tập, vui chơi trong một ngày. Chính vì vậy, ba mẹ cần cho các con ngủ đủ giấc, đúng giờ để đảm bảo về cả thời gian và chất lượng.
Hầu hết trẻ đi học bán trú có thời gian ngủ trưa theo quy định nên khi nghỉ học ở nhà, ba mẹ cần duy trì cho trẻ thời gian nghỉ như ở lớp để khi đi học trở lại trẻ vẫn giữ thói quen ngủ trưa.
5. Không sử dụng thiết bị công nghệ
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ không tập trung khi học ở nhà là bởi sự xuất hiện của nhiều thứ hấp dẫn như tivi, máy tính, điện thoại,... Nếu ba mẹ nhượng bộ mỗi lần bé đòi sử dụng thiết bị công nghệ, cho bé chơi trong thời gian dài thì rất dễ trở thành thói quen của trẻ mỗi khi rảnh rỗi, thậm chí không muốn làm việc khác mà chỉ tập trung vào các thiết bị giải trí đó.
Sử dụng quá nhiều thiết bị công nghệ khiến trẻ quên việc mình phải học bài, vui chơi cùng bạn bè, người thân, khi học hay chơi còn xảy ra tình trạng lơ là, không để tâm đến việc mình đang làm vì ngẩn ngơ, nhớ, mơ tưởng đến các thiết bị vui chơi không tốt đó. Bên cạnh đó, lạm dụng thiết bị công nghệ còn làm suy giảm sức khỏe, gây hại cho mắt trẻ, khiến não bộ của trẻ hoạt động bất ổn, dẫn đến tình trạng thiếu tập trung.
Vì vậy, ba mẹ cần hạn chế thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của ngh, chỉ sử dụng máy tính khi cần học online. Thời gian còn lại trong ngày hãy khuyến khích trẻ chơi với mọi người, vận động cơ thể thay vì ngồi một chỗ.
6. Chế độ dinh dưỡng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ thiếu sắt có thể dẫn đến tình trạng trẻ thiếu tập trung, giảm chú ý. Vì vậy, ba mẹ quan sát thấy trẻ không tập trung khi học, chân tay luôn bồn chồn, không ngồi yên được một chỗ hay đứng đâu được lâu thì có thể chế độ dinh dưỡng của trẻ đang thiếu chất.
Bữa ăn của trẻ cần đủ 4 nhóm chất: chất đạm, chất xơ, chất đường và chất béo. Ngày ngay, nhiều ba mẹ chiều chuộng và cho con ăn nhiều đồ ăn vặt chứa hàm lượng đường, dầu mỡ khiến bé dư thừa năng lượng, no bụng và chán ăn khi vào bữa chính. Trong khi đó, bữa chính rất quan trọng với rau xanh, trứng, sữa,... cung cấp sắt, khoáng chất và vitamin cần thiết cho não bộ thì trẻ lại bỏ qua. Thiếu chất, nhất là sắt, trẻ thường thấy mệt mỏi, giảm chú ý, mất tập trung và gây ra vấn đề về trí nhớ.
Vậy nên, ba mẹ cần chú ý cân bằng dưỡng chất cho trẻ, hạn chế đồ ăn nhanh không lành mạnh, đồ ngọt tạo cho trẻ cảm giác hưng phấn, ăn đủ bữa và đúng giờ để cơ thể luôn khỏe mạnh, có tinh thần học tập và sáng tạo. Ngoài ra, cho trẻ ăn đa dạng, phong phú các loại thực phẩm sẽ giúp trẻ không mắc chứng kén ăn. Điều này sẽ tốt cho trẻ khi đi học, trẻ tự giác, độc lập và luôn thích thú với việc ăn dù không có ba mẹ bên cạnh.
Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi trẻ sẽ được quay trở lại trường học. Ba mẹ hãy cùng con thiết lập lại thời gian biểu, lên kế hoạch giúp trẻ tập trung học tập trở lại sau kỳ nghỉ dịch để trẻ có một năm học thật vui vẻ và ý nghĩa phía trước nhé. Chúc ba mẹ và các bé thành công.
Bình luận về bài viết