CHUẨN BỊ TÂM LÝ CHO CON VÀO LỚP 1

Tiểu học là bậc học khởi đầu tạo nền tảng cho con trên hành trình học hỏi và trưởng thành. Để con có những trải nghiệm học tập đầu tiên đầy hứng thú, yêu thích trường lớp, tự lập trong những việc học tập, cha mẹ hãy chuẩn bị tâm lý thật kỹ cho con trước khi bước vào lớp 1 nhé!

1. Giúp con thích nghi việc chuyển từ Mẫu giáo lên Tiểu học

Con đã dành những năm đầu đời dưới mái trường Mầm non và khá thân thuộc với nơi này, nên không có gì bất ngờ nếu như con cảm thấy choáng ngợp và có phần hoang mang khi chuyển sang một môi trường hoàn toàn mới. Vì vậy, để bé có thể sớm bắt nhịp với lớp 1, phụ huynh cần hỗ trợ bé về mặt tinh thần.

CHUẨN BỊ TÂM LÝ CHO CON VÀO LỚP 1

Đầu tiên, gia đình hãy cho bé thời gian chấp nhận rằng bé vừa tạm biệt trường Mầm non thân yêu. Tiếp đến, nếu bé lo lắng rằng đi lớp 1 rất đáng sợ, thì gia đình có thể giải thích với bé rằng ai cũng phải lên lớp 1, lên lớp 1 chứng tỏ con đã lớn hơn, đã học rất ngoan ở Mẫu giáo để được lên lớp 1. Bằng cách này, bé sẽ hiểu được rằng lớp 1 là chuyện không của riêng ai, càng không phải một thứ gì đó đáng sợ.

2. Không nên hù dọa con

Có một điều mà bố mẹ tuyệt đối không nên làm khi chuẩn bị cho bé vào lớp 1, chính là hù dọa trẻ về việc đi học lớp 1. Ví dụ: “Con phải đi học ngoan, không thôi là ba mẹ không thương nữa”, hay là “Con mà khóc nhè sẽ bị cô giáo đánh đòn”…

Đồng thời, phụ huynh không nên gieo cho trẻ nỗi sợ về việc học và điểm số, ví dụ như: “Con không được lười biếng nhé, nếu không sẽ bị các bạn chê cười”, hay “Con sẽ phải học rất nhiều đó, không còn được chạy đi chơi mải thế đâu”. Đôi khi những lời nói vô tình này lại hình thành nỗi sợ hoặc ác cảm vô hình của trẻ với lớp 1.

CHUẨN BỊ TÂM LÝ CHO CON VÀO LỚP 1

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể giúp bé tự trang bị cho mình tâm thế sẵn sàng bằng cách đọc cho bé nghe những mẩu chuyện về việc đi học lớp 1 hoặc truyện cổ tích về sự trưởng thành, lòng dũng cảm. Từ đó, bé sẽ nuôi dưỡng được sự tự tin và bản lĩnh, sẵn sàng cho ngưỡng cửa mới phía trước.

3. Kích thích sự hứng thú của con

Trẻ luôn có sự tò mò và phấn khích nhất định về những điều mới mẻ. Do đó, phụ huynh có thể kích thích hứng thú của trẻ với lớp 1 bằng cách cho trẻ làm quen với những khái niệm đầu tiên về lớp 1. Cha mẹ có thể làm theo 3 bước sau:

  • Kể cho bé nghe về lớp 1: Gia đình hãy nói những điều đơn giản mà lý thú, ví dụ như có thêm nhiều bạn mới, được học nhiều điều mới, được mua sắm đồ dùng mới…
  • Chỉ cho bé những điều khác biệt giữa lớp 1 và Mầm non: chẳng hạn như tự lập hơn, con sẽ trưởng thành hơn và được tiếp cận nhiều kiến thức mới mẻ, lý thú hơn.
  • Dẫn bé đi tham quan trường mới: Con sẽ có hình dung đầu tiên về Tiểu học, về những thứ mới lạ có ở đây như bàn ghế, bảng xanh… Nếu có điều kiện,cha mẹ nên cho bé ghé thăm trường trước khi nghỉ Hè để bé nhìn thấy được các anh chị Tiểu học trông như thế nào, từ đó gợi mở sự hứng thú cho con.
CHUẨN BỊ TÂM LÝ CHO CON VÀO LỚP 1

Ngoài ra, phụ huynh còn có thể cho bé xem ảnh chụp, video clip về trường Tiểu học hoặc kể lại câu chuyện hồi lớp 1 của người lớn cho bé nghe. Nếu bé có anh/chị lớn hơn, gia đình cũng có thể cho bé xem ảnh hoặc kể lại kỷ niệm của anh chị, để bé thấy gần gũi và thích thú hơn với lớp 1.

Bố mẹ hãy kiên nhẫn giải đáp mọi thắc mắc của bé để con cảm thấy mình luôn có người đồng hành và luôn có ba mẹ ở bên cạnh ủng hộ, chia sẻ. Phụ huynh cũng có thể dẫn bé đi cùng khi mua sắm đồ dùng học tập, cho bé được chọn lựa mẫu, màu sắc mà mình thích. Con sẽ háo hức đi học hơn để được thử những món đồ mới tinh này.

Những đồ dùng cần chuẩn bị đầy đủ để con có thể tự tin bước vào lớp 1, cha mẹ hãy tham khảo ngay list TẠI ĐÂY.

Các chuyên gia đều khuyên rằng, thay vì lo cho con học chữ trước, cha mẹ hãy chú ý rèn luyện thể chất và tâm lý cho bé. Cho bé làm quen với trường mới, với sách vở, rèn luyện tính tập trung của con, tạo hứng thú cho con khi ngồi vào bàn học với lời khen, hay phần thưởng nào đó... để bé tự tin vào lớp 1.

Huyền Thanh

Bình luận về bài viết

Bạn đang tìm trường mầm non cho bé? Khám phá các trường mầm non tốt gần bạn

Học ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ, áp dụng các phương pháp giáo dục sớm tiên tiến

Trường mầm non chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt, nhiều hoạt động ngoại khoá