Theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo, học sinh Thủ đô Hà Nội được nghỉ nhiều hơn người lao động một ngày – bắt đầu từ 22/1 đến hết 29/1. Tết Canh Tý 2020, tại TP.HCM tiếp tục là nơi học sinh có số ngày nghỉ dài nhất cả nước. Với những trường dạy học cả thứ bảy, học sinh được nghỉ tết lên đến 15 ngày, từ 19/1 đến hết ngày 2/2 (tức mùng 9 tết).
Xuân ơi xuân đã về, có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến
Đây có lẽ là khoảng thời gian sung sướng, hạnh phúc nhất trên đời đối với các bé yêu. Trẻ vừa không phải đến lớp, tha hồ dậy muộn, lại được bố mẹ dẫn đi chơi khắp nơi và còn nhận những bao lì xì rực rỡ sắc màu nữa… Chính vì vậy, đối với con trẻ, việc quay trở lại trường học sau một kỳ nghỉ dài hơi quả là cực hình, một cơn ác mộng không tên. Nhiều trẻ nhỏ có tâm lý luyến tiếc Tết sẽ mè nheo không chịu đến lớp, với những bé lớn hơn thậm chí sẽ có thể quên dần kiến thức nữa.
Vậy ba mẹ cần phải làm gì để chuẩn bị tâm lí, tạo sự hứng khởi cho con khi trở lại trường học sau Tết? Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết sau đây của Kiddi, ba mẹ cùng tham khảo nhé!
Tái thiết lập các thói quen sinh hoạt như khi đi học
Sau những ngày nghỉ Tết dài hơi, đồng hồ sinh học của trẻ gần như bị đảo lộn hoàn toàn. Khó khăn nhất có lẽ là phải dậy đúng giờ sau những đêm thức khuya đi chơi, xem TV và được thỏa sức ngủ nướng đến giữa buổi sáng hôm sau. Do đó, ba mẹ nên cố gắng sắp xếp công việc khoảng 3 ngày trước khi đi học để giúp con điều chỉnh lại thời gian sinh hoạt. Ba mẹ cũng không nên sốt ruột mà bắt con thay đổi ngay lập tức, hãy từ từ từng chút một, mỗi ngày, mỗi hoạt động “nắn” lại tầm 10 – 15 phút là được.
Cải thiện đồng hồ sinh học một cách tự nhiên giúp bé yêu sẵn sàng trở lại trường lớp
Việc thiếu ánh sáng sẽ khiến cho nhiệt độ cơ thể giảm và làm tăng tiết hormone melatonin, khiến chúng ta dễ đi vào giấc ngủ. Ngược lại, ánh sáng sẽ có tác dụng làm tăng nhiệt độ cơ thể, tiết ra các hormone giúp chuyển hóa protein thành năng lượng cho các hoạt động. Do đó, để đánh thức cơ thể, ba mẹ nên mở cửa sổ, rèm cửa cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng ngay khi thức dậy. Ba mẹ cũng nhớ tránh dần những bữa ăn không đúng giờ, cất bớt nước ngọt, kẹo bánh để con không ăn vặt quá nhiều nhé!
Gợi nhớ về trường lớp thân yêu, thầy cô và những người bạn tốt
Để trẻ không bị hụt hẫng, bối rối khi quay lại trường học, bố mẹ hãy thường xuyên khơi gợi, nhắc trẻ nhớ tới những kỷ niệm đẹp gắn bó với trường lớp. Cách đơn giản nhất đó là tạo ra những câu hỏi vui về bạn thân của con, những giờ học con thích và các món ăn ngon ở trường... Trẻ sẽ có cơ hội kể lại những niềm vui đó cho gia đình nghe và luôn ý thức được rằng mình là một học sinh.
Tình bạn trong sáng tuyệt vời - Đẹp hơn tất cả bầu trời ban đêm
Thậm chí ba mẹ còn có thể facetime cho con gọi điện chúc Tết cô giáo hoặc một người bạn thân ở lớp… Ngoài ra, trong mỗi hoạt động của ngày Tết, ba mẹ có thể gợi ý cho con ghi nhớ lại để hôm sau tới lớp mình cùng chia sẻ, khoe với thầy cô, bạn bè thân yêu. Những điều này chính là động lực giúp bé hào hứng quay trở lại trường để chia sẻ những điều thú vị trong kỳ nghỉ của mình đấy.
Cùng con đi mua sắm đồ dùng học tập mới
Một ngày trước khi trở lại cuộc sống đời thường, ba mẹ có thể giặt sạch sẽ, xả nước thơm và ủi đồ phẳng phiu cho con. Việc được mặc bộ đồng phục thơm tho trên người, đi trên chân đôi giày mới, đầu tóc gọn gàng sẽ khiến trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi gặp lại bạn bè trên lớp. Ngoài ra, nếu đồ dùng học tập của trẻ còn thiếu nhiều thứ, hoặc chiếc ba lô đã cũ cần thay, ba mẹ hoàn toàn có thể rủ bé đi tới các nhà sách và cho con được tự chọn theo sở thích của mình. Các con sẽ rất vui và hào hứng muốn được nhanh đi học để diện và sử dụng chúng ấy.
Cho bé tự lựa chọn đồ dùng học tập để tạo cảm hứng Back-to-school
Ba mẹ đừng bao giờ nói những câu nghe ra lệnh như: "Mai con phải đi học rồi" hay là "Con dừng chơi được rồi và quay lại trường học đi!”… Thay vào đó, ba mẹ có thể tỏ ra ghen tị với bé vì con được đi học và được gặp bao nhiêu bạn, chơi rất nhiều trò chơi vui vẻ, thoải mái. Bên cạnh trò chuyện, tâm tình, ba mẹ có thể đọc cho trẻ nghe một vài cuốn sách hay về việc đi học như: “Trường học của Leon”, “Siêu Thỏ – Ứ đi học đâu”, “Boris đi học”, “Một ngày ở nhà trẻ”… Những câu chuyện với cốt chuyện vui vẻ xoay quanh chủ đề đi học sẽ khiến bé hào hứng và cảm thấy thích thú hơn đấy.
Đánh thức con bằng sự âu yếm và một bữa sáng ngon miệng
Mầm non là độ tuổi ăn được ngủ được, các em thường ngủ rất sâu và cực khó đánh thức vào mỗi buổi sáng, nhất là lại sau một thời gian dài nghỉ Tết. Ba mẹ hãy nhẹ nhàng, ôn hòa khẽ vuốt ve để đánh thức con, bắt đầu từ bàn tay tới cánh tay, vai rồi đến má… Nếu trẻ đắp chăn dày thì hãy luồn tay vào chăn và nhẹ nhàng vuốt tay hoặc cánh tay trẻ, khi con nhúc nhích và mở mắt hãy mỉm cười và nói những lời chúc buổi sáng âu yếm. Tuy nhiên ba mẹ nhớ giữ tay ấm áp trước khi động vào trẻ, nếu tay lạnh cóng thì lại phản tác dụng đấy.
Không gì tuyệt vời hơn việc bắt đầu ngày mới bằng một bữa sáng rực rỡ sắc màu, được tạo nên bởi rau xanh và đồ ăn mặn nhẹ nhàng.
Sau khi đã thành công gọi được công chúa, hoàng tử yêu dạy, mẹ hãy chuẩn bị những bữa sáng thơm ngon và một ly sữa ấm, bày biện dễ thương để kích thích vị giác cho bé. Việc vừa thức dạy lại được ăn một bữa sáng ngon miệng, đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp bé cải thiện tâm trạng, cảm thấy yêu đời, hạnh phúc hơn và đảm bảo năng lượng cho cả ngày dài, giúp giữ cho tinh thần của bé luôn thoải mái.
Không đón trẻ quá muộn vào những ngày đầu mới quay lại trường
Đón con muộn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ
Cũng biết là sau khi kết thúc Tết Nguyên Đán, ba mẹ sẽ vô cùng bận rộn với những công việc còn tồn đọng và mải miết kiếm tiền đến nỗi muộn cả giờ đón con. Tuy nhiên, ba mẹ hãy cố gắng một vài tuần đầu đừng tới đón trẻ khi trời đã tối để không ảnh hưởng đến tâm lý của con. Bởi những lúc này con vẫn chưa thật sự làm quen lại với nhịp sinh hoạt bình thường, trẻ rất dễ sinh ra cảm giác bất an, tủi thân khi phải ở một mình chờ ba mẹ tới. Do đó, dù có vất vả thật đấy nhưng ba mẹ hãy tới đón con đúng giờ với nụ cười thật tươi, tặng con cái ôm hay vẹo má, hỏi con xem một ngày đi học đã có những chuyện thú vị, vui vẻ gì diễn ra, ba mẹ nhớ là phải tập trung nghe chuyện và không quên dành những lời động viên khen ngợi con nhé.
Bình luận về bài viết