Theo thống kê, có khoảng 5% trẻ sơ sinh gặp phải dị tật dính thắng lưỡi, tỷ lệ ở bé trai nhiều hơn bé gái. Đây là dị tật bẩm sinh ít được biết đến, có thể làm hạn chế quá trình cử động bình thường của lưỡi và sự phát âm của trẻ.
I. Dính thắng lưỡi là gì?
Dính thắng lưỡi là một dạng dị tật bẩm sinh nhẹ do dây thắng ở lưỡi - tức lớp niêm mạc mỏng phía dưới, gắn lưỡi với hàm dưới bị ngắn hoặc dính vào sát đầu lưỡi cản trở các hoạt động của lưỡi.
Theo thống kê thì sẽ có khoảng 5% trẻ sơ sinh sẽ bị mắc dị tật này sau khi sinh và được phát hiện ngay trong tháng đầu sau sinh khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tiêm chủng; hoặc trẻ sẽ được phát hiện tật dính thắng lưỡi muộn hơn khi cha mẹ thấy bé khó bú, khó phát âm hay lên cân chậm. Tật dính thắng lưỡi ở trẻ em có thể bị dính nhiều hoặc dính ít.
Dính thắng lưỡi là dị tật có thể được chẩn đoán thông qua việc quan sát và đo chiều dài dây thắng lưỡi. Bé bị dính thắng lưỡi sẽ được phân loại mức độ khác nhau dựa theo chiều dài của thắng lưỡi được đo từ nơi bám ở sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi. Hiện nay, dính dây thắng lưỡi có 4 mức độ như sau:
- Mức độ 1: Trẻ bị dính thắng lưỡi nhẹ từ 12-16 mm
- Mức độ 2: Trẻ bị dính thắng lưỡi trung bình từ 8-11 mm
- Mức độ 3: Trẻ bị dính thắng lưỡi nặng từ 3-7 mm
- Mức độ 4: Trẻ bị dính thắng lưỡi hoàn toàn dưới 3 mm
II. Dính thắng lưỡi ảnh hưởng đến con như thế nào?
Tật dính thắng lưỡi mặc dù không gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của bé nhưng lại khiến trẻ gặp khó khăn trong những hoạt động sau:
- Khó khăn trong việc bú mẹ: Trẻ bị dị dính thắng lưỡi thường gặp khó khăn khi bú do con không thể ngậm núm vú đúng cách. Việc ngậm núm vú khó khăn khiến bé có thể khóc, cắn mẹ khi bú thay vì mút núm vú, đồng thời con không nhận đủ dưỡng chất để phát triển.
- Răng cửa dưới bị thưa: Dây thắng lưỡi bị dính dẫn đến sự hình thành khoảng trống giữa hai răng cửa hàm dưới, lâu dần khiến răng bị xô dạt gây mất thẩm mỹ.
- Gặp khó khăn khi nói: Người bị dính dây thắng lưỡi thường gặp khó khăn trong việc phát âm các âm như: t, d, s, th, r, l và z.
- Vệ sinh răng miệng kém: Trẻ bị dị tật này thường gặp khó khăn trong việc dùng lưỡi làm sạch các mảnh vụn thức ăn bám vào răng. Điều này làm gia tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu.
- Khó khăn trong một số hoạt động như: liếm môi, chơi nhạc cụ hơi…
III. Dấu hiệu con bị dính thắng lưỡi?
Chứng dính thắng lưỡi không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ vì vậy những triệu chứng của bệnh thường khó nhận biết, bố mẹ cần để ý kĩ con mới có thể nhận biết được.
Bố mẹ có thể làm vài kiểm tra đơn giản tại nhà bằng cách cùng con ngồi trước gương và chơi trò thè lưỡi. Cố gắng làm cho lưỡi của bé thè dài ra tận cằm, cong lưỡi lên trên vòm môi trên, vòm lợi trong, chuyển động sang trái, sang phải. Bố mẹ hoàn toàn có thể nhìn được lưỡi của con có bị kém linh động hay không. Cụ thể những dấu hiệu bé bị dính thắng lưỡi như sau:
- Cử động lưỡi hai bên của bé gặp khó khăn, đầu lưỡi không thể đụng lên phía trên vòm miệng vì lưỡi của bé ngắn.
- Đầu lưỡi của bé không thè ra ngoài môi được và khi thè sẽ thấy vuông hoặc phẳng chứ không nhọn như những em bé khác.
- Khi bé khóc, đầu lưỡi sẽ có hình trái tim do cử động của lưỡi đẩy ra phía trước hoặc phía sau bị giới hạn.
- Răng cửa ở hàm dưới bị nghiêng hoặc có khe hở giữa 2 răng cửa hàm dưới.
Với các bé nhỏ hơn, mẹ có thể quan sát những dấu hiệu như:
- Đầu núm vú mẹ bị biến dạng, có những vết lằn chèn ép ở đầu núm vú mẹ sau khi cho con bú. Núm vú mẹ có thể bị viêm và đau.
- Bé biếng ăn và bị chậm tăng cân hoặc bé bú rất lâu và khi bú thường phát ra tiếng kêu.
Hoặc cách nhanh nhất để kiểm tra là cha mẹ đưa bé đến các bệnh viện và phòng khám nha khoa để khám.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu dính thắng lưỡi, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện, phòng khám nha khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám và đánh giá chính xác mức độ bị dính thắng lưỡi ở trẻ nhiều hay ít. Việc điều trị dính thắng lưỡi và câu hỏi có cần phải cắt hay thực hiện phẫu thuật tách dính thắng lưỡi cho con không sẽ được giải đáp TẠI ĐÂY.
Cùng tham gia cộng đồng chia sẻ, review, hỗ trợ tìm trường mầm non tốt cho con ở HÀ NỘI VÀ TP.HCM để tham khảo nhiều thông tin hữu ích nhé!
Bình luận về bài viết