Ngậm mút tay là thói quen rất thường gặp ở trẻ, biểu lộ trẻ đang cần sự trợ giúp để tìm được cảm giác bình yên khi trẻ đang đối diện với những lo lắng, căng thẳng, nhất là khi không có mẹ bên cạnh. Tuy nhiên, khi trẻ đã lớn mà vẫn còn thói quen này sẽ gây nhiều bất lợi cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
I. Vì sao trẻ lại mút tay?
Bú, mút là một trong những phản xạ tự nhiên của trẻ sơ sinh. Trẻ bắt đầu bú ngón cái hoặc những ngón tay khác từ khi chúng còn ở trong bụng mẹ.
Trẻ có thể mút ngón tay, ngậm ti giả hoặc các vật khác nhưng tất cả đều là phản xạ bú mút. Lúc trẻ ngậm mút tay sẽ kích thích não trẻ sản xuất ra chất endorphin (chất giảm đau nội sinh), giúp cơ thể trẻ được thư giãn, thoải mái, an toàn và tạo cho trẻ cảm giác thích thú, tương tự như khi trẻ đang được ăn những món ăn mà trẻ yêu thích. Vì thế, trẻ thường mút ngón tay khi mệt mỏi, sợ hãi, lo lắng, buồn bã, ốm, cố gắng đương đầu với thử thách như khi bị tách rời khỏi bố mẹ, khó ngủ… Một số phương pháp luyện ngủ khuyến khích bố mẹ cho bé tự mút ngón tay để ngủ như một cách để tự trấn an bản thân, tự đưa mình vào giấc ngủ.
Theo diễn tiến tự nhiên, sau 6 tháng đầu tiên phản xạ ngậm mút tay của trẻ sẽ giảm dần. Khoảng 70 – 90% số trẻ em có thói quen mút ngón tay cái, nhưng hầu hết các trẻ này sẽ tự động bỏ việc ngậm mút tay lúc được 3-5 tuổi. Khoảng 15% vẫn tiếp tục ngậm mút tay cho đến 4 tuổi.
II. Trẻ mút tay có ảnh hưởng gì không?
Mút tay có thể xem là bản năng bình thường ở trẻ nhỏ, tuy nhiên nếu trẻ mút tay trong một thời gian kéo dài và không bỏ được sẽ gây nhiều bất lợi cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
- Mút ngón tay quá sâu làm trẻ dễ bị nôn trớ nhất là sau khi bú hoặc sau khi ăn.
- Trẻ mút tay khi bàn tay chưa được rửa sạch sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tay- miệng như bệnh tay chân miệng, thủy đậu, cúm, các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa.
- Những trẻ có động tác mút tay mạnh, nhai tay có thể gây các tổn thương ở da ngón tay, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng da.
- Mút tay trong thời gian kéo dài có thể gây biến dạng xương ngón tay, ngón tay bị mút sẽ có hình dạng bất thường.
- Nghiêm trọng hơn, ở những trẻ 5-6 tuổi đang trong giai đoạn thay răng vĩnh viễn, thói quen mút tay kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của vòm miệng và sự sắp xếp của răng, dẫn đến tình trạng một số tình trạng như lệch khớp cắn, khó phát âm, hô (răng và hàm bị đẩy ra ngoài), móm (một hàm bị tụt vào trong),...
III. Làm sao để con bỏ tật mút tay?
1. Giữ cho đôi bàn tay bé luôn bận rộn
Nếu để ý quan sát, mẹ sẽ nhận thấy rằng các bé hay đưa tay lên miệng nhất là lúc bé đang chán. Vậy thì thay vì để bé mút tay như một cách giải khuây, bố mẹ hãy cho con một trò chơi nào đó để thay thế và đánh lạc hướng trẻ khỏi mong muốn được mút tay nhé. Ngay khi nhìn thấy bé bắt đầu đưa tay lên miệng, hãy nhanh chóng đặt đồ chơi vào cả hai bàn tay bé hoặc một món đồ nào đó khiến bé phải giữ bằng cả hai tay, chẳng hạn như con thú bông cỡ lớn.
2. Đánh lạc hướng sự chú ý
Mỗi lần bé định mút tay, mẹ hãy khẽ nhấc tay bé ra và trò chuyện với bé. Sau đó hát cho bé nghe, dùng hai tay của mình vỗ nhẹ vào hai tay của bé, bé sẽ thích thú và rất vui vẻ. Trước khi kết thúc, mẹ hãy hướng cho bé nhìn những đồ vật treo trên cao, ví dụ như bóng bay. Tất nhiên là phải kiên trì rèn luyện cho bé thì mới thành công được
3.
Trẻ con có thể hiểu được rất nhiều điều bố mẹ nói, vì thế hãy giải thích rõ ràng cho bé mút tay sẽ gây ảnh hưởng xấu đến răng bé như thế nào. Thi thoảng khi bé mút tay, bố mẹ hãy giải thích lại nguyên nhân, nhẹ nhàng và kiên nhẫn để giúp bé chủ động bỏ thói quen này nhé!
4. Cùng con tạo lịch “không mút tay”
Hãy thử cùng con tạo một cái lịch “không mút tay” để theo dõi và thưởng cho con vì đã biết kiềm chế xem sao. Ngày nào bé không mút tay, mẹ hãy đánh dấu vào lịch. Đến cuối tháng, dựa trên số ngày mà bé đã đạt được thì mẹ hãy có phần thưởng cho những cố gắng của bé nhé. Bạn có thể sẽ bất ngờ khi thấy chỉ cần những hình dán trên lịch thôi là đã đủ động lực cho con bạn phấn đấu rồi đấy.
5. Cho con xem ảnh phóng lớn của vi khuẩn
Với các bé tuổi mẫu giáo vẫn còn hay mút tay, bố mẹ và cô giáo có thể cho trẻ xem ảnh phóng lớn của vi khuẩn và giải thích cho trẻ biết rằng khi trẻ mút tay cũng là lúc trẻ có thể đang “ăn” những con vi khuẩn “xấu xí” này. Cách này cũng có thể được dùng nếu bố mẹ muốn dạy con rửa tay thường xuyên đấy nhé.
6. Phương pháp “chất lỏng nhắc nhở”
Với phương pháp này, mẹ sẽ bôi lên ngón tay một chất lỏng có vị mà bé không thích như đắng, chua… để ngăn không cho bé mút tay. Bố mẹ không nên xem phương pháp này là một sự trừng phạt mà hãy xem đây là cách để nhắc nhở bé đừng cho tay vào miệng.
Từ bỏ một thói quen chưa bao giờ là việc dễ dàng với bất kỳ ai, vậy nên cha mẹ hãy thật kiên nhẫn để giúp con từ bỏ thói quen mút tay này nhé!
Bình luận về bài viết