Tại sao cùng điều kiện chăm sóc và chế độ dinh dưỡng nhưng có những em bé khỏe mạnh, ít khi đau ốm, có trẻ lại thường xuyên, rất dễ nhiễm bệnh? Nguyên nhân có thể là mỗi trẻ có sức đề kháng khác nhau. Chính vì vậy, cha mẹ cần phải tăng sức đề kháng để bảo vệ, ngăn ngừa các yếu tố gây hại đến cơ thể non nớt của con. Vậy làm thế nào để tăng cường sức đề kháng cho bé?
I.Vì sao cần tăng sức đề kháng cho trẻ?
Sức đề kháng hay còn gọi là hệ miễn dịch chính là “vũ khí” giúp kháng lại các virus, tác nhân gây bệnh: Các vi sinh vật (ký sinh trùng như giun, sán, nấm, mốc…), vi khuẩn, virus, Prion (các protein lây nhiễm, nhỏ hơn virus 100 lần) và những vật lạ trong cơ thể sinh ra hoặc đưa từ bên ngoài vào (tế bào lạ, các phức hợp: Kháng nguyên, kháng thể lạ, các tế bào ung thư…) để sẵn sàng tiêu diệt, loại trừ các tác nhân gây hại cho cơ thể.
II. Cách tăng sức đề kháng cho trẻ sơ sinh
1. Cho trẻ bú sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn thức ăn hàng ngày của trẻ sơ sinh. Sữa mẹ biến đổi theo từng giờ, từng ngày để phù hợp với sự phát triển của bé. Các chuyên gia khuyến cáo, những năm đầu đời, trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ để tránh các bệnh mãn tính như: nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy… Bên cạnh đó, sữa mẹ có chứa nhiều protein vừa có tác dụng tăng sức đề kháng vừa ngăn chặn các loại vi khuẩn gây bệnh hiệu quả.
2. Mẹ cần uống đủ nước
Nước là thành phần rất quan trọng với cơ thể. Để đảm bảo trẻ sơ sinh được phát triển toàn diện, có hệ miễn dịch tốt, mỗi ngày mẹ cần duy trì đủ 2 lít nước. Hãy uống nước thành nhiều lần trong ngày để tránh tình trạng no, căng tức bụng.
3. Mẹ ăn gì để tăng sức đề kháng cho con?
Để có nguồn sữa thơm ngon, đặc và chất lượng, mẹ cần bổ sung một chế độ dinh dưỡng khoa học lành mạnh. Hãy bắt đầu từ việc đan xen giữa các loại thực phẩm giàu protein (trứng, sữa, thịt bò..) với rau củ quả, trái cây tươi. Đây đều là những thực phẩm cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, hàm lượng lớn chất xơ, khoáng chất và vitamin có trong rau củ quả sẽ góp phần nâng cao sức đề kháng cho trẻ sơ sinh.
III. Cách tăng sức đề kháng cho trẻ nhỏ
1. Duy trì chế độ ăn khoa học
Theo các chuyên gia, để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bố mẹ chú ý bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất bằng cách cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau quả tươi. Với một chế độ ăn cân bằng, khoa học, cha mẹ sẽ không cần phải cho trẻ uống bất cứ loại thuốc bổ sung vitamin nào khác.
Cà rốt, đậu xanh, cam, dâu tây… là những thực phẩm có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng cho trẻ như vitamin C và caroten. Các chất dinh dưỡng này sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều tế bào bạch cầu và interferon, loại kháng thể có thể bao phủ bề mặt của tế bào, giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. Không những vậy, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, trẻ nhỏ ăn nhiều rau xanh và trái cây còn giảm nguy cơ bị ung thư khi lớn lên. Chính vì vậy, mỗi ngày, bạn nên cố gắng cho bé ăn khoảng 5 phần hoa quả và rau xanh.
2. Vận động thường xuyên
Việc vận động rất tốt cho sức khỏe cho trẻ nhỏ, do đó, bố mẹ cần khuyến khích con vận động mỗi ngày thay vì cứ dành thời gian “dán mắt” vào màn hình để xem TV, chơi trò chơi… Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh tập thể dục rất quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể bởi việc làm này sẽ giúp cơ thể sản xuất một chất chống viêm tự nhiên.
Ngoài ra, nó còn giúp:
- Loại bỏ vi khuẩn có thể có trong đường hô hấp, giảm nguy cơ bị cảm lạnh hoặc cúm
- Giúp các tế bào bạch cầu lưu thông nhanh hơn, từ đó phát hiện và chống lại bệnh tật hiệu quả
- Ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn xấu
- Hạn chế giải phóng các hormone căng thẳng.
- Mỗi ngày, hãy khuyến khích trẻ vận động khoảng 30 phút mỗi lần, 5 lần/tuần, bạn sẽ thấy sức khỏe của trẻ được cải thiện rõ rệt.
- 3. Uống đủ nước
Mất nước có thể dẫn đến mất cân bằng chất, làm giảm khả năng miễn dịch khiến cơ thể khó đánh bại các loại vi khuẩn, virus đang tìm cách xâm nhập vào cơ thể. Để tránh tình trạng này, bố mẹ cần nhắc nhở con uống đủ nước mỗi ngày. Nước giúp oxy hóa máu dễ dàng hơn trong cơ thể, giúp các tế bào hoạt động hết công suất. Những tế bào khỏe mạnh chứa đầy oxy sẽ giúp cơ thể của bé luôn khỏe mạnh, hình thành khả năng miễn dịch vượt trội chống lại “kẻ thù” xâm nhập từ bên ngoài. Không những vậy, việc uống nhiều nước còn giúp thận đào thải sạch các độc tố thông qua việc bài tiết nước tiểu, não cũng được tăng cường trao đổi chất, lưu thông dịch não tủy.
4. Ngủ đủ giấc
Ngủ là lúc mà cơ thể nghỉ ngơi và tự hồi phục, nếu trẻ không ngủ đủ giấc hoặc ngủ không ngon, cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể sẽ bị suy yếu. Không những vậy, tình trạng thiếu ngủ còn khiến các tế bào xung kích tự nhiên (vũ khí của hệ miễn dịch có tác dụng tấn công vi khuẩn và tế bào ung thư) bị giảm dần đi.
Để tăng cường sức đề kháng cho con, cha mẹ đừng quên:
- Duy trì một thời gian biểu đi ngủ – thức dậy đều đặn mỗi ngày, ngay cả những ngày cuối tuần
- Duy trì những thói quen tốt trước khi đi ngủ như tắm nước ấm, đọc sách, hát ru…
- Không cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ
- Tạo không gian ngủ yên tĩnh.
5. Tiêm vaccine đầy đủ và không lạm dụng kháng sinh
Để nâng cao sức đề kháng, hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bố mẹ cần cho trẻ tiêm đầy đủ các mũi vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Với những mũi tiêm chủng dịch vụ, cha mẹ có thể cân nhắc tùy vào hoàn cảnh và quan điểm của gia đình nhưng cũng nên cho bé tiêm đủ, đặc biệt là mũi vắc xin phòng bệnh cúm mùa. Việc tiêm vaccine kích thích cơ chế tự vệ tự nhiên của cơ thể nhằm tăng sức đề kháng để chống lại bệnh nhanh và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên lạm dụng hay tùy ý sử dụng thuốc kháng sinh cho con. Vì dùng kháng sinh nhiều sẽ dẫn tới hiện tượng “nhờn thuốc”. Và khi đó, cơ thể không thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn.
Trên đây là những cách tăng sức đề kháng cho trẻ an toàn, hiệu quả, khoa học. Cha mẹ hãy lưu ý và áp dụng để chuẩn bị cho con một hệ miễn dịch thật tốt, bảo vệ bé khỏi các loại vi khuẩn, virus xâm nhập nhé!
Bình luận về bài viết