Trẻ đi học mầm non sớm sẽ không tránh khỏi "khủng hoảng" tâm lý do phải xa bàn tay của bố mẹ. Trẻ thường gặp những vấn đề như chán ăn, khóc nhiều ban ngày và về đêm, sợ đi học, không chơi với bạn bè,... Khi thấy bé có biểu hiện này, bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục ngay. Bởi lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý của con và bố mẹ cũng khó yên tâm để con đi học. Làm thế nào với trẻ khủng hoảng tâm lý khi đi học mầm non sớm, hãy cùng Kiddi tìm hiểu sau đây nhé.
Xem thêm: Tại sao ba mẹ nên cho trẻ đi học mầm non sớm?
1. Cho bé có ấn tượng tốt với trường học
Bố mẹ hãy cho con thời gian làm quen với lớp học trước
Hãy cho bé những ấn tượng tốt về trường trước khi đi học. Ở nhà, mẹ có thể dùng ngôn ngữ dễ hiểu để miêu tả về trường, lớp, thầy cô và bạn bè để bé có hình dung ban đầu về trường học - khái niệm xa lạ với bé từ khi sinh ra. Mẹ hãy kể cho bé nghe về những hoạt động thú vị ở trường để bé thấy háo hức, tò mò.
Nếu được trường cho phép, mẹ hãy dẫn bé đến trường để làm quen với cô giáo và các bạn. Mẹ sẽ cùng bé tham gia lớp học, cho bé trải nghiệm các hoạt động của lớp học. Mẹ hãy để ý thái độ của bé, nếu bé vui vẻ, mẹ từ từ di chuyển ra xa, nới rộng khoảng cách với bé. Để bé quen với việc ngồi một mình mà không có mẹ. Còn nếu bé không thích, mẹ nên dừng lại và đưa bé về. Nếu ép buộc bé tiếp tục, bé sẽ thấy sợ trường học ngay.
Cho bé làm quen với trường học trước để bé có ấn tượng tốt về trường sẽ phần nào khắc phục tình trạng trẻ khủng hoảng tâm lý khi đi học mầm non sớm.
2. Động viên, hỏi han con mỗi ngày
Động viên, hỏi han con mỗi ngày giúp tiềm thức của con ghi nhớ việc đi học
Trước ngày đi học, bố mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu vì sao mình cần đến trường như: khi đến trường con sẽ gặp gỡ nhiều bạn bè, có nhiều trò chơi thú vị, cô giáo sẽ dạy con hát, múa, kể chuyện và con đã lớn cần đi học cũng giống như bố mẹ đi làm mỗi ngày.
Bố mẹ nói chuyện trước với bé cũng để bé có sự chuẩn bị tâm lý, bé sẽ không bị sốc khi đột một ngày mẹ đưa bé đến trường. Điều đó khiến bé nghĩ rằng, bố mẹ không cần mình nữa, bé sẽ buồn, bất an khi đến một nơi xa lạ.
Khi bé đã đi học rồi, bố mẹ cũng cần quan tâm, chia sẻ với con thường xuyên. Lúc đón con ở lớp về, bố mẹ nên hỏi han con những điều tích cực như: "Hôm nay con học bài gì?", "Cô giáo cho con ăn món gì?", "Con thích chơi với bạn nào?" Hay trước khi đi ngủ, mẹ có thể trò chuyện để chuẩn bị tâm lý trước cho con về ngày hôm sau như "Ngày mai mẹ sẽ đưa con đến trường và mua cho con một chú gấu" hay "Chắc ngày mai cô A sẽ chuẩn bị trò chơi rất thú vị cho con",...
Dù bố mẹ cho bé đi học mầm non sớm, bé chưa biết nói nhưng bé sẽ hiểu và nhận thức được tất cả đấy. Thực tế não bộ của trẻ đã phát triển để tiếp thu được những thông tin đó. Hãy thủ thỉ vào tai bé thật nhiều, dần dần trong ý thức của bé sẽ hình thành việc phải đi học, và thấy nó thân quen, không có gì đáng sợ cả, hạn chế tình trạng trẻ khủng hoảng tâm lý khi đi học mầm non sớm.
3. Áp dụng chế độ sinh hoạt ở trường với ở nhà
Xây dựng chế độ sinh hoạt ở nhà như ở trường để bé dễ thích nghi khi đi học
Nhiều trẻ đi học mầm non sớm bị sốc vì thay đổi giờ giấc sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng. Bình thường khi bé ở nhà, bố mẹ thường để bé ngủ tới khi muốn tỉnh, nhưng khi đi học, bé sẽ phải thức dậy lúc 6-7h sáng. Ở nhà bé đòi ăn lúc nào mẹ sẽ cho bé ăn ngay nhưng khi đi học, bé được cho ăn vào các giờ cố định, số bữa cố định. Vì vậy, trước khi bé đi học, ba mẹ nên xin thời gian biểu cho bé ở trường định học từ giáo viên, từ phụ huynh khác cùng trường để điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt khoa học cho con ở nhà như ở trường.
Thiết lập chế độ sinh hoạt khoa học sớm cho bé còn giúp bé hình thành ý thức có trách nhiệm với mọi vấn đề, tự giác, biết sắp xếp cuộc sống. Ba mẹ cũng sẽ đỡ vất vả hơn khi cần cho bé vào khuôn khổ, tránh tình trạng trẻ khủng hoảng tâm lý khi đi học mầm non sớm.
Xem thêm: Trẻ đi học mầm non sớm có thể gặp những vấn đề gì?
4. Luôn giữ đúng lời hứa để con thấy an tâm
Ba mẹ hãy giữ đúng lời hứa để con an tâm đi học mỗi ngày
Nhiều ba mẹ dỗ dành con khi con đang khóc bằng cách đưa ra lời hứa như: "Ba/mẹ sẽ mua cho con thứ này nếu con đi học ngoan", "Ba mẹ sẽ chỉ đi một tí và quay lại ngay", "Con sẽ chỉ ở đây một hôm thôi",... nhưng sau đó thì không thực hiện lời hứa. Đừng tưởng bé khóc là không để ý, bé sẽ nhớ và chờ đợi đấy. Bé mong ngóng điều ba mẹ đã hứa nhưng không thấy, bé sẽ nghĩ ba mẹ nói dối thì bé cũng không cần thực hiện cam kết là đi học.
Khi đón con tan học, ba mẹ cũng hãy đón đúng giờ như đã hứa. Bé rất nhạy cảm và sẽ ghi nhớ những lần trễ hẹn của ba mẹ đấy. Bé sẽ có cảm giác ba mẹ không cần mình, bé không quan trọng với ba mẹ nên mới bị bỏ rơi.
Hãy luôn giữ lời hứa với con ba mẹ nhé. Đây cũng là cách dạy con trung thực, giữ chữ tín với người khác bởi mọi hành vi, lời nói của ba mẹ đều ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ.
5. Không lấy cô giáo, roi vọt ra dọa con
Đừng lấy cô giáo ra dọa mỗi khi con mắc lỗi
Rất nhiều phụ huynh Việt có suy nghĩ rằng lấy một thứ đáng sợ ra dọa trẻ thì trẻ sẽ sợ và thực hiện theo yêu cầu của ba mẹ. Điều này không phải lúc nào cũng đúng và gây tác dụng ngược. Ví dụ, khi bé không muốn ăn cơm, ba mẹ dọa rằng: "Nếu không ăn cơm, ba/mẹ sẽ gọi cô A đến" (trong tâm lý của bé trước đó đã sợ cô A) hay "Nếu con không đi học thì con sẽ bị đánh đòn"... Cách làm này vô tình khiến cô giáo, trường học trở nên đáng sợ, khủng khiếp với trẻ.
Ba mẹ nên khuyên nhủ nhẹ nhàng, giải thích về hành vi không tốt của con để con tự nhận ra lỗi của mình.
Ngoài ra, ba mẹ cũng nên thường xuyên cho bé ra ngoài chơi, tiếp xúc với nhiều người, các bé cùng trang lứa. Như vậy, trẻ đi học mầm non sớm sẽ bớt thấy bỡ ngỡ khi đến một môi trường xa lạ, gặp những người xa lạ. Trẻ khủng hoảng tâm lý khi đi học mầm non sớm chỉ diễn ra trong một thời gian nên ba mẹ chỉ cần chú ý, điều chỉnh cho bé là được.
Cùng tham gia cộng đồng chia sẻ, review, hỗ trợ tìm trường mầm non tốt cho con ở HÀ NỘI và TP.HCM để tham khảo nhiều thông tin hữu ích nhé!
Bình luận về bài viết