Ở trẻ nhỏ có rất nhiều tật do bẩm sinh hoặc phát sinh trong quá trình trưởng thành do được chăm sóc không đúng cách, chẳng hạn như tật chân vòng kiềng. Chắc hẳn cũng có nhiều mẹ thắc mắc không biết nguyên nhân, cách phòng tránh hay cách chữa trị tật này cho con. Trong bài viết dưới đây Kiddi sẽ giải đáp và chia sẻ một số mẹo chữa tật chân vòng kiềng ở trẻ cho ba mẹ.
1. Tật chân vòng kiềng ở trẻ do di truyền hay tự phát?
Trước tiên, mẹ hãy kiểm tra xem bé nhà mình có bị chân vòng kiềng hay không. Chân vòng kiềng là một tật bất thường ở chân, theo đó, 2 đầu gối hướng ra hai phía bên ngoài, cách xa nhau, thậm chí khi khép 2 chân lại, 2 mắt cá chân chạm vào nhau thì giữa 2 đầu gối vẫn có một khoảng trống.
Hiện tượng chân vòng kiềng thường có ở trẻ sơ sinh do tư thế nằm của trẻ khi còn ở trong bụng mẹ. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường thì thông thường khi trẻ đến 1 tuổi, chân sẽ dần thằng trở lại mà không cần bất kì tác động nào. Nếu khi trẻ lớn hơn mà vẫn còn hiện tượng chân vòng kiềng thì có thể do một số nguyên nhân sau đây:
-
Yếu tố di truyền
Nếu ba mẹ thắc mắc tật chân vòng kiềng ở trẻ có yếu tố di truyền hay không thì câu trả lời là “Có”. Nếu ba hoặc mẹ có tật chân vòng kiềng bẩm sinh thì rất có thể con sinh ra cũng có tật này. Thường thì tật do di truyền khó tự hết khi trẻ trưởng thành. Tật chân vòng kiềng chủ yếu chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, không ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt hay vận động. Do đó, ba mẹ có thể đưa bé đi khám và can thiệp phẫu thuật chỉnh hình khi bé ở độ tuổi cho phép.
-
Chân vòng kiềng do tác động bên ngoài
Nếu tật chân vòng kiềng ở trẻ không phải do yếu tố di truyền từ ba mẹ thì rất có thể do tác động từ bên ngoài, mắc bệnh lý về xương trong quá trình trẻ trưởng thành.
Nguyên nhân thường thấy ở trẻ có chân vòng kiềng là do thiếu hụt vitamin D dẫn đến còi xương, xương phát triển không bình thường; xương thủy tinh hoặc bệnh giòn xương; loạn sản sụn (rối loạn tăng trưởng khiến xương không thể phát triển),...
Ngoài ra, một số thói quen chăm sóc trẻ không tốt của ba mẹ như bế ẵm nách, địu sau lưng hay trước ngực, cho bé tập đi sớm,... cũng có thể khiến trẻ mắc tật chân vòng kiềng. Đặc biệt trẻ thừa cân lại tập đi sớm càng dễ mắc tật này do khi bé còn quá nhỏ, hệ xương vẫn chưa đủ sức để có thể nâng đỡ được toàn bộ sức nặng cơ thể, làm chân bị cong.
Như vậy, khi đã biết được nguyên nhân dẫn đến tật chân vòng kiềng ở trẻ, ba mẹ có thể biết cách chữa trị hoặc lưu ý phòng tránh cho bé nhà mình.
2. Cách phòng tránh tật chân vòng kiềng ở trẻ
-
Bổ sung đầy đủ vitamin D cho trẻ chống còi xương
Vitamin D là dưỡng chất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển xương của trẻ nhỏ. Trẻ thiếu vitamin D trong thời gian dài sẽ làm giảm việc hấp thu calci, phốt pho và khiến sự phát triển của xương gặp trở ngại.
Mẹ nên bổ sung nhiều vitamin D cho con những tháng đầu bằng cách tắm nắng nhẹ vào sáng sớm. Nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu bởi trong sữa mẹ có nhiều dinh dưỡng, vitamin D tốt cho xương của trẻ.
Khi bé đến tuổi ăn dặm, mẹ có thể bổ sung nhiều dưỡng chất, cung cấp đủ lượng calci và vitamin D cần thiết cho bé từ sữa, lòng đỏ trứng…
Ngoài ra, ba mẹ nên cho trẻ ăn uống điều độ, khoa học để tránh mắc bệnh béo phì, là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị chân vòng kiềng khi tập đi.
-
Nắn chân cho bé
Tác động cơ học bằng cách nắn chân cho bé cũng phần nào giúp bé giảm nguy cơ mắc tật chân vòng kiềng.
Ở những tháng đầu tiên, xương của trẻ còn mềm, yếu, dễ uốn nắn nên mẹ hãy thường xuyên nắn đều 2 chân, nhẹ nhàng theo hướng vào trong, từ đùi xuống mắt cá nhân. Nắn chân không chỉ giúp lưu thông máu mà còn giúp xương chân trẻ phát triển đều, thẳng, hạn chế tật vòng kiềng, bé cũng thấy thoải mái, khỏe khoắn, thích thú lắm đấy.
Ba mẹ nên nắn chân hàng ngày cho bé, đều đặn, trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.Thông thường bé trên 1 tuổi, hiện tượng chân vòng kiềng sẽ hết (nếu không phải do di truyền).
-
Không bắt trẻ tập đi quá sớm
Khi còn quá nhỏ, xương của trẻ còn yếu chưa thể chống đỡ được trọng lượng cơ thể dồn ép xuống chân. Do đó, trẻ tập đi quá sớm rất dễ khiến chân bị biến dạng, vòng kiềng.
Thời gian thích hợp để trẻ tập đi là khi trẻ được 9 tháng tuổi trở lên, xương chân đã chắc chắn. Ngoài ra, người lớn không nên đỡ 2 nách trẻ khi cho trẻ tập đi bởi khi đó, 2 chân bé có xu hướng khuỵu, cong khi đứng do có người đỡ, lâu dần thành thói quen tạo thành tật chân vòng kiềng. Thói quen bế ẵm nách trẻ cũng cần loại bỏ.
3. Mẹo chữa tật chân vòng kiềng ở trẻ
3.1. Một số bài tập chân cho trẻ
Bài tập 1
- Đặt bé nằm ngửa trên mặt phẳng để 2 chân lại gần nhau
- Nhấc cùng lúc 2 chân lên và không được tách rời chúng ra.
Bài tập 2
- Đặt bé nằm sấp, chân duỗi thẳng và giữ ở tư thế này một khoảng thời gian. Bạn có thể thu hút sự chú ý của bé bằng các loại đồ chơi đầy màu sắc.
- Để bé nằm ngửa và đặt đồ chơi xung quanh cho con tập đá. Bạn nên chọn những món đồ chơi mà khi bé chạm vào sẽ phát ra âm thanh. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy thích thú hơn.
Bài tập 3
- Đặt bé nằm sấp
- Gập chân lại và từ từ để gót chân chạm tới mông
- Lặp lại động tác này từ 3 – 5 lần.
- Hướng dẫn trẻ đi đúng cách
Nếu tật chân vòng kiềng ở trẻ không phải do di truyền, chỉ hình thành do thói quen sinh hoạt không tốt và tác động từ bên ngoài thì ba mẹ có thể uốn nắn sớm cho trẻ.
Bài tập ba mẹ có thể áp dụng như cho bé tập đi theo đường thẳng, giữ thăng bằng sao cho quyển sách đặt trên đầu không bị rơi. Vì trẻ bị tật chân vòng kiềng có bước đi không vững chãi nên khi bước đi với quyển sách trên đầu, muốn không cho sách rơi trẻ buộc phải lấy được thăng bằng. Tập luyện lâu dài, trẻ có thể khắc phục được tật chân vòng kiềng.
Với trẻ mới tập đi, ba mẹ cần lưu ý cho trẻ tập giữ thăng bằng trọng lượng cơ thể trước khi tập đi. Người lớn phải luôn theo sát trẻ và đặt gối, chăn ở sát sau trẻ để kịp đỡ, tránh áp lực mạnh ảnh hưởng đến đốt sống hoặc bé bị ngã mạnh sẽ ảnh hưởng tới hệ xương chân. Luôn nhắc nhở trẻ đứng thẳng khi đi, không gò người, đi vội, lao về phía trước.
3.2. Can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bó xương
Với trẻ bị tật chân vòng kiềng bẩm sinh do di truyền thì rất khó tự khỏi mà cần có can thiệp bằng y học. Hiện nay có cách nẹp chân, bó chân, phẫu thuật chỉnh hình có thể giúp trẻ khắc phục tật này. Tuy nhiên khi trẻ đã đủ tuổi được can thiệp phẫu thuật thì ba mẹ nên cho trẻ làm càng sớm càng tốt, lúc xương của trẻ chưa cứng, còn dễ uốn nắn.
Tật chân vòng kiềng ở trẻ tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, có thể khiến trẻ tự ti khi trưởng thành nên ba mẹ hãy chú ý khắc phục cho bé càng sớm càng tốt nhé. Hy vọng những thông tin trên hữu ích cho ba mẹ.
Bình luận về bài viết