Cát luôn là một trong những đồ chơi hấp dẫn các bé mầm non và đặc biệt các thí nghiệm thú vị với cát sẽ luôn làm các bé rất thích thú. Các thí nghiệm với cát đều khá đơn giản với những nguyên liệu dễ tìm. Ba mẹ cùng tham khảo một số thí nghiệm sau khoa học sau đây để cùng thực hiện với bé nhé.
1. Thí nghiệm đồng hồ cát
- Mục đích của thí nghiệm: Hướng dẫn bé do thời gian bằng đồng hồ cát.
- Nguyên vật liệu: 2 chai nước suối nhựa có nắp, băng keo, phễu và cát khô.
- Thực hiện: Dùng băng keo dán dính 2 nắp chai nước suối lại. Đục lỗ nhỏ xuyên qua 2 nắp chai này (ba mẹ có thể thực hiện trước giúp trẻ). Dùng phễu để đổ cát vào từng chai. Vặn kín lại. Có thể cho lượng cát tùy ý vào chai. Cát sẽ chảy từ bình này sang bình kia qua lỗ của 2 nắp chai.
Đến đây ba mẹ có thể cùng bé đặt tên cho đồng hồ cát: đồng hồ cát vượt thời gian, đồng hồ cát vũ trụ. Câu hỏi gợi ý: Con có thể làm đồng hồ cát từ vật liệu nào khác? Điều gì làm cho đồng hồ cát của con chảy cát lâu như vậy? Con làm gì với đồng hồ cát này? Khi cát chảy hết xuống bình dưới thì nói lên điều gì? Con có thể chơi cái gì với đồng hồ cát?
2. Thí nghiệm núi lửa phun trào
- Mục đích: Sự phản ứng hóa học khí baking soda kết hợp với dấm
- Nguyên vật liệu: Cát, chai thủy tinh, phễu, cốc, màu thực phẩm, baking soda, dấm, đĩa giấy.
- Thực hiện: Đổ dấm và màu thực phẩm vào 1 chiếc cốc và khuấy đều lên. Đổ 1 ít baking soda vào chai thủy tinh. Cho chai thủy tinh chứa baking Soda vào 1 đĩa giấy và đắp cát lên xung quanh chai tạo thành hình ngọn núi lửa. Sử dụng phễu đặt lên chai thủy tinh và rót dung dịch dấm vào (có thể không cần dùng phễu nếu cổ chai đủ rộng) và ba mẹ cùng bé xem núi lửa phun trào thôi nào.
Xem thêm:
Lợi ích diệu kì khi cho trẻ làm các thí nghiệm khoa học
Bỏ túi 5 thí nghiệm khoa học về thực vật
3. Thí nghiệm về sự đông cứng của thạch cao
Mục đích: Cho thấy tác dụng làm khuôn và sự đông cứng của thạch cao.
Nguyên vật liệu: Cát, bột thạch cao, nước, các hình dạng bé muốn.
Thực hiện: Ba mẹ trải cát trên 1 mặt phẳng và cho bé đặt chân mạnh xuống mặt cát hoặc bất kỳ đồ vật hoặc hình dạng gì bé muốn ấn xuống mặt cát. Sau đó nhấc chúng lên và trên mặt cát sẽ còn vết tích của đồ vật. Và bây giờ bạn chỉ cần pha ít thạch cao với nước và đổ vào lỗ đó, đợi chờ 2h – 3h để chúng khô lại. Bây giờ bạn đã sở hữu 1 bộ hóa thạch độc đáo. Với cách làm tương tự như phía trên bạn có thể cùng bé tạo ra các bức tranh vô cùng độc đáo.
4. Thí nghiệm thu thập cát đen
Mục đích: phân biệt cát trắng và cát đen, thí nghiệm về từ tính
Nguyên vật liệu: cát trắng, cát đen (loại cát có màu đen và có từ tính), nam châm.
Thực hiện: Ba mẹ trộn hai loại cát trắng và cát đen lại với nhau. Sau đó cho nam châm lại gần cát, lúc này cát đen sẽ bị hút bởi nam châm do từ tính. Đây là một thí nghiệm khá đơn giản và thú vị để giải thích về từ tính ba mẹ có thể làm cùng với bé tại nhà.
5. Thí nghiệm bàn cát từ tính
Mục đích: giải thích từ tính của nam châm và tại sao nam châm lại hút các đồ vật đó mà không hút đồ vật khác.
Nguyên vật liệu: hộp nhựa, cát, đồ chơi kim loại, đồ chơi nhựa, nam châm.
Thực hiện: Ba mẹ cùng bé đổ cát vào 1 chiếc hộp và có chứa một số loại đồ chơi (có đồ chơi kim loại). Sử dụng nam châm để truy tìm các đồ vật có thể hút bằng nam châm. Một cuộc chơi đi tìm kho báu sẽ giúp bé lý giải được tại sao nam châm không hút được những đồ vật bằng nhựa.
Với một số thí nghiệm về cát cho trẻ mầm non khá đơn giản và thú vị phía trên hy vọng ba mẹ và các bé sẽ chơi thật vui và học thêm nhiều điều mới lạ nhé. Chúc các ba mẹ và các bé làm thí nghiệm thành công.
Còn rất nhiều thí nghiệm khoa học đơn giản và thú vị cho các bé lứa tuổi mầm nếu ba mẹ và các bé yêu thích khoa học có thể tìm hiểu thêm TẠI LINK nhé. Cảm ơn ba mẹ đã chú ý theo dõi bài viết.
Cùng tham gia cộng đồng chia sẻ, review, hỗ trợ tìm trường mầm non tốt cho con ở HÀ NỘI VÀ TP.HCM để tham khảo nhiều thông tin hữu ích nhé!
Bình luận về bài viết