Tháng 11 – tháng tri ân nhà giáo lại về, lại thấy cảm xúc dâng lên trước những lời chúc tốt đẹp, những tình cảm của toàn xã hội dành cho nghề giáo. Vất vả nhất và cũng nhiều “tai tiếng” nhất có thể kể đến nghề giáo viên mầm non. Một nghề đặc biệt mà mọi người thường nhắc đến là nghề nuôi dạy trẻ. Là nhà giáo nhưng không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc, yêu thương trẻ bằng tấm lòng người mẹ. Giáo viên mầm non chính là những người thầy đầu tiên và quan trọng của trẻ, dạy trẻ những bài học đầu tiên của cuộc sống, là người ươm mầm nhân cách trẻ. Nhưng khi nhắc đến “Cô giáo mầm non” ít ai có thể hiểu được những công việc thầm lặng hằng ngày mà một cô giáo phải làm.
Ghé qua ngôi trường mầm non “Khang Nhi” nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, thật ngạc nhiên khi không nghe thấy bất kì tiếng khóc nào từ các em nhỏ. Thay vào đó là tiếng cười nói vui vẻ, các tiếng hát của các em một cách hồn nhiên. Có lẽ, phụ huynh sẽ vô cùng hạnh phúc khi nhìn những đứa con thơ của mình vui vẻ đến vậy.
Các em nhỏ vui vẻ làm hoa tặng bố mẹ từ những chiếc lá khô
Bước vào trường, trước mặt chúng tôi là một cô giáo trẻ có dáng người nhỏ nhắn đang chăm sóc các em nhỏ. Bất ngờ khi được biết, cô là Nguyễn Thúy Lan (sinh năm 1974) và đã có hơn 20 năm trong nghề mầm non. Tại sao cô giáo bé nhỏ như vậy nhưng có thể gánh trên vai trọng trách lớn lao “ươm mầm trẻ”?
Tâm sự với PV, cô nói: “Trước khi bước vào nghề, chính tôi cũng chỉ nghĩ rằng nghề cũng thật đơn giản, chắc là chỉ đến lớp dạy các con hát múa đọc thơ nhưng thực tế đâu phải vậy. GVMN không chỉ biết hát múa, kể chuyện, đọc thơ... mà giờ đây, để có thể đứng lớp, họ phải thật sự có kiến thức về tâm, sinh lý của trẻ , về cuộc sống, nắm được các phương pháp giáo dục.
Việc giáo dục trẻ tuổi mầm non cần một sự linh hoạt, khéo léo, kết hợp thật tinh tế giữa chơi và học; đồ dùng dạy học cũng cần thật đa dạng, kích thích trí tò mò và đáp ứng được đặc điểm tâm lý mau thích, mau chán của trẻ. Chính vì thế, trẻ ở độ tuổi mầm non cần được vui chơi thoải mái và không thể bắt trẻ học một cách quy củ như ở tiểu học. Các cô giáo phải tổ chức cho trẻ nhiều hoạt động để để trẻ trải nghiệm và hứng thú, từ đó trẻ sẽ tiếp thu một cách tự nhiên và hứng thú chứ không phải là nhồi nhét kiến thức khô cứng.”
Các em nhỏ vui vẻ với hoạt động ngoại khóa.
Nói tới đây mới có thể thấy rằng, sinh ra một đứa trẻ đã khó, nhưng việc nuôi dưỡng và chăm sóc đứa trẻ đó như thế nào còn khó hơn rất nhiều. Phải chăng có từng đấy năm kinh nghiệm trong nghề cô mới hiểu sâu sắc về những em nhỏ. Chăm sóc chúng bằng cả tình yêu thương mà ngay cả bố mẹ chúng nhiều khi không thể hiểu hết.
Cô giáo hướng dẫn cách pha nước chanh.
Khoe với PV những bức ảnh về hoạt động của trường, cô Lan nói: “Có tâm huyết với nghề thì các cô mới nghiên cứu, tổ chức thật nhiều hoạt động cho các con được trải nghiệm, bé nào cũng được trực tiếp làm chứ không phải chỉ có đồ dùng của cô để biểu diễn phía trên cho các con nhìn chứ ko được làm.
Một cách làm hay nữa là cho trẻ trải nghiệm thực tế bằng việc tổ chức cho trẻ đi tham quan, dã ngoại những khu trang trại giáo dục, tham quan các bảo tàng, đến các trung tâm thương mại, đi xem phim, xem biểu diễn xiếc, múa rối, đến vui đùa tại các công viên.
Các em nhỏ học cách cảm nhận từ đôi tay.
Trẻ không thể chỉ được nuôi dưỡng trong bốn bức tường, mà có cơ hội hàng ngày chạy nhảy trong vườn, nghe chim hót, ngắm cây xanh, hít thở khí trời trong lành… Những hoạt động ấy không những tăng cường sức khỏe mà còn tăng về các chỉ số phát triển trí tuệ và cảm xúc cho trẻ. Chính những trải nghiệm đó sẽ giúp các con yêu thích đến lớp. Phụ huynh sẽ không phải khổ sở vào mỗi buổi sáng để có thể thuyết phục con đi học vì khi trẻ đã tiếp xúc với môi trường học tập thú vị, sự nhút nhát này sẽ dần biết mất và thay bằng sự tự tin, trẻ sẽ hoà đồng với bạn bè, không ngại thể hiện mình ở chỗ đông người, trẻ sẽ không còn sợ hãi, khóc lóc khi phải rời xa cha mẹ nữa.”
Thật vậy, trong thời đại xã hội phát triển như hiện nay, gia đình cũng có nhiều điều kiện thì mỗi đứa con đều “như vàng, như bạc” của họ. Nhiều bậc phụ huynh vẫn thường nuông chiều, chăm chút cho con mình một cách thái quá, khiến con trở nên vụng về và thụ động, không biết làm gì khi không có ông bà cha mẹ ở bên cạnh. Nhưng khi đến lớp các cô sẽ hướng dẫn trẻ cách tự mình thực hiện những việc nhẹ nhàng, phù hợp với độ tuổi của mình như tự mặc quần áo, đi dép, sắp xếp ba lô, don dẹp lớp học. Các cô còn nhắc nhở các con về nhà cũng phải thực hành để giúp đỡ bố mẹ.
Các em nhỏ học cách chăm sóc người thân.
Khi được hỏi về các áp lực của một giáo viên mầm non, như giải tỏa được tấm lòng, cô Lan nói tiếp: “Một ngày bình thường của giáo viên mầm non bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc 6h chiều với hàng loạt công việc chăm nuôi dạy trẻ, mỗi giáo viên phải chuẩn bị giáo án, dụng cụ học tập, sổ sách... dạy dỗ, chơi cùng trẻ, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ làm vệ sinh cho trẻ, cùng trách nhiệm lớn lao đảm bảo an toàn mọi nơi lúc cho trẻ, vì ở lứa tuổi này các con còn non nớt và nhiều khi chưa ý thức được hành động của mình.
Có rất nhiều phụ huynh hiểu, thông cảm và chia sẻ với giáo viên nhưng bên cạnh đó vẫn có những phụ huynh khó tính. Dù đã cố gắng rất nhiều trong công việc, nhưng không may để xảy ra một lỗi nhỏ như một vết trầy xước, nóng sốt, biếng ăn, … đều khiến cô giáo cảm thấy áp lực trước phụ huynh.”
Khi được PV hỏi: Nếu như để cô được lựa chọn một lần nữa, cô có tiếp tục gắn bó với nghề giáo viên mầm non hay không?, Cô khẳng định rằng: “Dù áp lực hay vất vả đến đâu, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận vì đã lựa chọn nghề giáo viên mầm non. Vì tình yêu con trẻ, vì muốn nhìn thấy các con cười nói mỗi ngày thì khó khăn nào tôi cũng có thể vượt qua.”
Không ngại vết bẩn tập trang trí thùng gỗ.
Đúng vậy, đâu đó trong xã hội còn những quan niệm xưa cũ, không coi trọng cấp bậc đầu tiên này của trẻ nhỏ bởi họ nghĩ khi còn nhỏ thế chưa thể tiếp thu kiến thức, trẻ em chỉ cần ăn no, ngủ kỹ là có thể phát triển bình thường. Phải chăng vì lý do ấy mà giáo viên mầm non chưa được xem trọng như những giáo viên tiểu học, trung học? Một số giáo viên chưa thể yên tâm với nghề, những cô giáo trẻ muốn bỏ nghề vì áp lực, những định kiến của xã hội khi đâu đó vẫn xảy ra những vụ bạo hành trẻ của những người làm nghề này nhưng chưa thực sự có tâm, những cô giáo xót xa khi về hưu đồng lương không đủ trang trải cuộc sống… cũng ảnh hưởng nhiều đến việc chọn lựa nghề giáo viên mầm non của các bạn trẻ.
Nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều lời động viên, ghi nhận của phụ huynh khiến các cô cảm thấy rất vui và có động lực trong công việc, đó là khi họ thấy được những tiến bộ của con mình như thấy con tự giác hơn, đi học về là líu lo kể chuyện ở lớp, cảm động khi thấy các cô yêu thương dạy dỗ con mình từ những điều nhỏ nhặt nhất như tự biết chăm sóc, bảo vệ bản thân, lễ phép với người lớn, thấy yên tâm khi mỗi ngày con đến trường đều là những ngày vui.
Những tình cảm ấy của phụ huynh dành cho các giáo viên mầm non cũng góp phần tiếp thêm sức mạnh giúp các cô vượt qua những khó khăn, vất vả trong công việc để hết lòng chăm sóc, dạy dỗ các con. Và trên hết, từ chính tình yêu thương con trẻ, nhiều cô giáo mầm non vẫn miệt mài để mang lại niềm vui và nhiều giá trị tốt nhất cho trẻ thơ, chăm chút để những mầm non lớn lên mỗi ngày và mong mỏi những mầm xanh ấy sẽ trở thành những cây cao vững chãi, có ích cho đời.
Theo Nguyen Ha (Báo Doanhnghiepvn.vn)
Bình luận về bài viết