Những đứa trẻ BeeBlue House, buổi sáng vào lớp, chẳng ai nhắc, chẳng ai gọi, chúng tự chọn cho mình một chiếc vòng cảm xúc đeo lên tay. Nếu chúng nhìn thấy một người bạn của mình đeo chiếc vòng cảm xúc buồn, sợ… chúng có thể tự nhiên tiến đến hỏi câu chuyện của bạn, hoặc không. Ai muốn kể câu chuyện của mình, sẽ đi tìm người để chia sẻ. Trong khi chúng học, chúng chơi, bất chợt, chúng có thể dừng lại, chạy lại chỗ những chiếc vòng cảm xúc, tự đổi cho mình một chiếc vòng màu khác, và hân hoan/ hoặc buồn bã nói lên: cảm xúc của con thay đổi rồi.
Chúng vẫn chưa được 6 tuổi, và nếu có lần nào bạn ghé chơi, ngồi yên một góc lặng nhìn, bạn cũng sẽ như tôi thấy kì diệu thay, sao chúng có thể hiểu rõ, nói rõ, nắm bắt rõ những khoảnh khắc cảm xúc trong lòng chúng thay đổi như thế.
Và đó là sau 01 năm chúng tôi bền bỉ, kiên nhẫn dạy trẻ về Social Emotional Learning - một phần của chương trình Positive Education. Những đứa trẻ của chúng tôi đã từng trải qua những giờ học “ngồi xuống bên nhau, hỏi và về kể cảm xúc”, cũng từng lắng nghe tiếng chuông để có một phút giây chậm lại, hít thở nhìn cảm xúc của mình, từng được giáo viên hỏi cảm xúc vào đầu ngày, cuối ngày…. Chúng đã từng được hướng dẫn và nâng đỡ như thế, để sau 01 năm nhìn lại, chúng đã tự chủ hoàn toàn với việc gọi tên cảm xúc của mình ra.
Positive Education không phải là bất chợt bày ra một dự án, tồn tại đâu đó 1-2 tháng để làm đẹp trường, đẹp lòng phụ huynh. Giáo Dục Tích Cực là một hành trình, là một chuỗi các bài học được kết nối được với nhau, để hình thành nên một phong cách sống: hiểu bên trong mình, và hiểu người xung quanh.
Bình luận về bài viết