Mầm non là một bậc học vô cùng quan trọng bởi nó yêu cầu tính trách nhiệm ở những người liên quan rất cao. Chỉ cần một sơ suất nhỏ của giáo viên, của người quản lý có thể dẫn tới hậu quả khôn lường cho các con về cả thể chất lẫn tinh thần.
Vì thế, việc chọn trường cho trẻ chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng với bất kỳ cha mẹ nào. Thấu hiểu được những trăn trở của phụ huynh, Kiddi tin rằng với kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, bài viết này sẽ giúp ích cho các bậc làm cha làm mẹ trong công cuộc tìm ra ngôi trường phù hợp nhất cho bé!
1. Đội ngũ giáo viên yêu nghề, mến trẻ.
Trong giáo dục mầm non, yếu tố con người là một trong những đặc điểm quan trọng nhất. Bởi vì các thầy cô chính là người trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc trẻ 8 tiếng/ngày.
Ngoài việc đáp ứng những tiêu chí về bằng cấp, sự tận tâm yêu nghề, thấu hiểu tâm lý trẻ là điểm mà các bậc phụ huynh cần lưu ý, vì chỉ khi các thầy cô yêu thương trẻ nhỏ thật sự thì mới có thể kiên nhẫn, luôn nỗ lực mang tới một môi trường giáo dục thân thiện cho bé. Khi tới thăm quan trường, ngoài việc trao đổi với chủ trường/người quản lý, phụ huynh nên nói chuyện với giáo viên sẽ trực tiếp dạy con để xem cách ứng xử, phong thái của cô như thế nào. Có điềm đạm, lịch sự, nhiệt tình với phụ huynh hay không? Ngoài ra, để cẩn thận hơn nữa, ba mẹ có thể tham quan các lớp học khác tại trường, để có sự đánh giá khách quan về chất lượng của đội ngũ giáo viên của trường.
Một cách hiệu quả khác để đánh giá môi trường học tập của bé là tham gia buổi họp phụ huynh định kỳ. Tại buổi gặp mặt này, ba mẹ có thấy các cô nhận xét được đúng về những ưu điểm và nhược điểm của con. Nếu các cô có những trao đổi bổ ích, chân thành, điều đó đồng nghĩa với việc người giáo viên luôn theo sát, quan tâm con thật lòng và đã hoàn thành tốt vai trò là cầu nối giữa gia đình và nhà trường.
Trong quá trình con đang theo học tại trường, ba mẹ cũng nên để ý hỏi han con mỗi khi về nhà xem cô chăm sóc ra sao, có lắng nghe, đối xử công bằng với mọi người trong lớp như nhau không? Có làm gì khiến con sợ không? Phụ huynh nên tránh trường hợp chủ quan, gửi con ở trường rồi phó mặc hoàn toàn cho giáo viên, nhà trường quản lý, đến giờ là tới đón con về.
2. Tích hợp phương pháp giáo dục sớm tiên tiến.
Với phân khúc học phí này, phụ huynh có thể tham khảo 1 số phương pháp giáo dục tích hợp như: Montessori, Reggio Emilia, STEAM... hoặc chương trình chuẩn Bộ GD&ĐT với cách tiếp cận đổi mới, đa dạng hơn.
Tại các trường học, trẻ nhỏ cần được đặt ở vị trí trung tâm, nhà trường sẽ cung cấp một môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở để bé có cơ hội được phát triển cũng như khám phá hết tiềm năng của mình. Thầy cô lúc này chỉ là những người hỗ trợ, hướng dẫn chứ không can thiệp vào quá trình tự khám phá của bé, đặc biệt là không áp đặt tư tưởng, suy nghĩ và cách nhìn của người lớn lên bé.
3. Làm quen với Tiếng Anh.
Với trào lưu hội nhập vào nền giáo dục thế giới, hiện nay xu hướng tại các trường mầm non là cho trẻ tiếp xúc với Tiếng Anh từ sớm. Với thời lượng khoảng 2 – 3 buổi một tuần học cùng giáo viên nước ngoài sẽ giúp bé phát triển phản xạ ngôn ngữ, taọ nền tảng cho những cấp học cao hơn.Ở độ tuổi mầm non, cách học tiếng Anh hiệu quả nhất là học qua các hoạt động “Chơi mà học – Học mà chơi” vui nhộn, qua những bài hát, điệu nhảy, các trò chơi vận động... Vì các bé trong độ tuổi này còn ham chơi, ưa vận động, thích môi trường vui vẻ, nhiều hoạt động hấp dẫn. Các con chưa có khả năng tập trung theo những gì người lớn mong muốn. Chỉ khi được vừa học vừa chơi bé mới cảm thấy hứng thú. Việc này còn giúp con không chịu nhiều áp lực mà tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.
4. Phòng học thoáng mát, tọa lạc tại khu vực yên tĩnh, có an ninh tốt.
Ngoài việc tìm một trường học có vị trí gần nhà giúp cha mẹ thuận lợi trong việc đưa đón trẻ. Thì yếu tố an ninh xung quanh khu vực trường học cũng là đặc điểm phụ huynh nên chú ý.
Ngoài ra, các phòng học cần được thiết kế thoáng mát, đầy đủ ánh sáng. Nếu phòng học có cửa sổ lớn tràn ngập ánh sáng tự nhiên sẽ là điểm cộng lớn. Vì ánh sáng tự nhiên sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ cận thị của bé. Bên cạnh đó, mỗi phòng học cần được trang bị đầy đủ những tiện ích căn bản như: điều hòa, WC riêng, camera trực tuyến giúp phụ huynh có thể theo dõi được hoạt động của con tại trường.
5. Có hoạt động dã ngoại, phát triển thể chất, năng khiếu nghệ thuật, tư duy logic.
Các buổi trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động dã ngoại, học tập kỹ năng sống… sẽ là điểm cộng về chương trình học. Những chuyến đi này giúp các em được thấy tận mắt những điều mà mình học ở lớp, như màu sắc, con vật, hoa cỏ… từ môi trường tự nhiên. Từ đó trẻ thêm yêu thiên nhiên và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Bên cạnh các giờ học chính khóa, chương trình học của bé cần có thêm các hoạt động giúp phát triển năng khiếu nghệ thuật, tư duy logic như Võ thuật, Hội Họa, Múa… do giáo viên có chuyên môn phụ trách.
Bình luận về bài viết