Không phải tất cả mọi phụ huynh đều có đủ kiến thức về chăm sóc con nhỏ dù luôn muốn làm mọi điều tốt nhất cho con. Có những quan niệm mà ba mẹ ngộ nhận là đúng, thực chất lại đang đe dọa sức khỏe của con từng ngày. Dưới đây là những quan niệm sai lầm ba mẹ hay mắc phải khiến trẻ mắc bệnh béo phì. Hãy cùng Kiddi tìm hiểu và lưu ý trong quá trình nuôi dạy con nhé.
1. Trẻ mập mạp sẽ khỏe mạnh, ít đau ốm
Thừa cân, béo phì là một quá trình diễn ra trong thời gian dài, mỡ thừa, độc tố tích tụ qua nhiều năm tháng và gây ra nhiều tác động xấu đến cơ thể. Tuy nhiên, những tác hại của bệnh khó nhìn thấy ở giai đoạn thanh thiếu nhi. Nhiều ba mẹ chỉ nhìn thấy con đầy đặn, mập mạp thì vui mừng mà không biết rằng bên trong cơ thể trẻ đang tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm, không hề biết trẻ có thể mắc bệnh béo phì.
Trái với tư tưởng của các phụ huynh rằng trẻ mập mạp thì mới khỏe mạnh, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trẻ thừa cân, béo phì thì có xu hướng mắc bệnh tật nghiêm trọng hơn những đứa trẻ có cân nặng bình thường. Với những bệnh lý đơn giản như tiêu chảy cho đến viêm phổi hay nhiễm trùng ở trẻ thừa cân béo phì thường có xu hướng diễn tiến nặng hơn, thời gian hồi phục lâu hơn, cần thời gian điều trị lâu dài, tốn kém hơn.
Không những vậy, trẻ mắc bệnh béo phì hay chỉ thừa cân sẽ có nguy cơ béo phì cao hơn khi trưởng thành. Mắc bệnh béo phì trong giai đoạn trưởng thành có thể dẫn đến các bệnh về rối loạn chuyển hóa, mạn tính không lây như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, suy giảm trí nhớ, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, viêm khớp cơ xương,... Trẻ mắc bệnh béo phì trong thời gian dài dẫn đến các di chứng này còn có nguy cơ giảm tuổi thọ khi trưởng thành.
2. Trẻ thừa cân thì phát triển chiều cao tốt hơn
Không ít người lớn quan niệm rằng “trẻ con cứ béo thì sẽ cao” hay “trẻ thừa cân một tí cũng được, đến khi dậy thì tăng chiều cao là vừa”. Điều này không hoàn toàn đúng, không phải đứa trẻ nào béo, mập lúc nhỏ thì cũng cao lớn khi trưởng thành. Thậm chí, thừa cân béo phì còn làm giảm quá trình phát triển chiều cao của trẻ do xương khớp chịu áp lực của cơ thể dẫn đến các bệnh về xương. Không chỉ vậy, những đứa trẻ thừa cân béo phì cũng thiếu canxi, nguyên nhân gây đau nhức xương khớp, làm chậm quá trình phát triển của xương.
Trẻ mắc bệnh béo phì lại càng thụ động trong sinh hoạt, gặp khó khăn trong vận động, nếu không được nhắc nhở thì sẽ lười vận động, càng khó phát triển chiều cao hơn. Bé gái mắc bệnh béo phì còn có nguy cơ dậy thì sớm.
Ngoài ra, trẻ con từ 8 tuổi trở lên đã bắt đầu có nhận thức về hình thể, biết để ý đến ngoại hình. Do đó, thừa cân và béo phì khiến trẻ tự ti, mặc cảm với bạn bè hơn. Thậm chí, nếu trẻ không may bị bạn bé, người khác trêu trọc sẽ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, ảnh hưởng tâm lí lâu dài, suy giảm sức khỏe.
Như vậy, chế độ dinh dưỡng cân bằng, phù hợp với độ tuổi, nhu cầu tiêu hao năng lượng thì mới giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, toàn diện.
3. Trẻ không ăn đồ ăn nhanh thì sẽ không thừa cân
Thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ như xúc xích, gà rán, khoai tây chiêl, pizza,... và nước ngọt công nghiệp là đồ ăn ưa thích của nhiều trẻ em, trẻ thừa cân lại càng ưa thích chúng. Nhiều phụ huynh cũng hiểu đồ ăn nhanh có hại cho sức khỏe của trẻ, hạn chế cho trẻ ăn thì sẽ không bị thừa cân, béo phì. Tuy nhiên đồ ăn nhanh là chỉ một trong những nguyên nhân gây ra bệnh béo phì cho trẻ. Như vậy, có nghĩa là trẻ vẫn có thể bị béo phì bởi các nguyên nhân khác dù không ăn đồ ăn nhanh.
Trẻ ăn nhiều, ăn nhanh, nạp vào cơ thể năng lượng nhiều hơn mức cần thiết mới là mấu chốt của bệnh béo phì. Ngoài ra chế độ dinh dưỡng nghèo chất xơ, canxi, vitamin và khoáng chất,...; lười vận động trong thời gian dài, nhất là sau khi ăn làm năng lượng không được tiêu hao, tích tụ thành mỡ thừa, gây béo phì ở trẻ.
Ba mẹ không chỉ hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhanh mà còn kết hợp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hoạt động thể thao thì mới ngăn ngừa trẻ mắc bệnh béo phì.
4. Ngộ nhận về chế độ dinh dưỡng
Sai lầm đầu tiên mà khá nhiều phụ huynh mắc phải là trẻ ăn nhiều thịt, trứng, sữa thì mới bổ và khỏe. Phần lớn các phụ huynh không ước lượng được phần ăn như thế nào là đủ với trẻ, thường cho trẻ ăn nhiều thịt, trứng, sữa. Đây là những thực phẩn cung cấp chất đạm cần thiết cho trẻ. Nhưng dung nạp quá mức thực phẩm này cũng không mạng lại sức khỏe mà còn có khả năng gây thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa. Điều này còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ ở tuổi trưởng thành.
Sai lầm tiếp theo của các ba mẹ là cho trẻ ăn bất kì lúc nào trẻ kêu đói hay không, miễn là con ăn được. Điều này chủ yếu xảy ra ở những trẻ bị rối loạn sinh hoạt, ba mẹ không xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Do ba mẹ cho con ngủ mà bỏ bữa sáng, ăn giữa bữa sáng và bữa trưa, bữa ăn không điều độ, cho ăn bất cứ lúc nào trẻ đói, ăn muộn, ăn đêm,...
Phụ huynh lưu ý không nên cho trẻ bỏ bữa bởi sẽ khiến trẻ thiếu hụt năng lượng và ăn nhiều vào các bữa sau. Tình trạng này kéo dài cũng có thể gây béo phì bởi năng lượng hấp thụ nhiều trong một lần sẽ khó khăn trong quá trình tiêu hóa và tích tụ lại gây béo phì. Ngoài ra, không vì thấy trẻ tăng cân quá mức mà cắt giảm bữa ăn đột ngột, hay bắt trẻ nhịn ăn, bỏ bữa bởi tác động xấu đến thể trạng của trẻ.
Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các phụ huynh thay đổi quan niệm và nhận thức về cân nặng của trẻ. Để phòng tránh trẻ mắc bệnh béo phì, ba mẹ nên có kế hoạch chăm sóc trẻ từ những năm đầu đời, giúp trẻ phát triển khoẻ mạnh, toàn diện hơn.
Bình luận về bài viết