Bệnh béo phì hẳn không còn xa lạ với chúng ta. Điều đáng nói là tỉ lệ trẻ em mắc bệnh béo phì ngày càng cao, tiềm ẩn nguy cơ làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của con người. Để phát hiện sớm và có hướng điều trị bệnh béo phì ở trẻ em, ba mẹ cần lưu ý những điều sau.
1. Bệnh béo phì là gì?
Bệnh béo phì được hiểu là sự tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức trong cơ thể. Đối với người lớn, nếu chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 30 thì người đó mắc bệnh béo phì. Còn đối với trẻ em dưới 5 tuổi, béo phì là khi BMI lớn hơn 3 độ lệch chuẩn trên trung bình Tiêu chuẩn tăng trưởng trẻ em của WHO. Còn trẻ từ 5-19 tuổi, béo phì là khi BMI lớn hơn 2 độ lệch chuẩn trên trung bình trên tham chiếu tăng trưởng của WHO.
Chú thích:
BMI: Chỉ số khối cơ thể, chỉ thể trọng, thường được sử dụng để đo lượng mỡ trong cơ thể. Chỉ số khối chuẩn được tính dựa trên chiều cao và cân nặng.
BMI = Cân nặng (kg) / chiều cao (m)
2. Nguyên nhân gây bệnh béo phì ở trẻ em
Trẻ mắc bệnh béo phì có thể do một số nguyên nhân sau:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu khoa học: ăn nhiều hơn so với nhu cầu của cơ thể (cơm, mì, bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn chiên xào, thức ăn nhanh, mỡ, da, đồ lòng, sữa béo nguyên kem có đường, …); ăn nhanh, ăn nhiều, hay ăn khuya, ăn vặt..., lười ăn chất xơ (rau xanh, trái cây)..
- Ít vận động nên năng lượng nạp vào không được tiêu hao, hay ngồi một chỗ và ăn uống, xem tivi, máy tính, chơi game nhiều...
- Thời gian ngủ ít.
- Di truyền
- Người mẹ bị đái tháo đường trong thời kỳ mang thai, đặc biệt 3 tháng đầu.
3. Cách nhận biết trẻ mắc bệnh béo phì
Ba mẹ có thể nhận biết bệnh béo phì ở trẻ tại nhà bằng cách dựa vào chỉ số khối cơ thể BMI (đã nói ở trên). Dựa vào cân nặng và chiều cao thực của trẻ, ba mẹ tính chỉ số BMI, nếu:
Trẻ dưới 5 tuổi: BMI < 95 th : quá cân/thừa cân.
Trẻ 5-19 tuổi:
BMI > 85th: dư cân
BMI > 95th: béo phì
BMI > 99th: béo phì nặng
Ví dụ: Bé gái 5 tuổi có cân nặng 36kg, chiều cao 1,17m.
=> BMI = 36/1,172 = 26
Quan sát bảng trên có thể thấy BMI >99th => trẻ béo phì nặng.
3. Biểu hiện của bệnh béo phì ở trẻ em
Ngoài cách nhận biết trẻ mắc bệnh béo phì bằng tính chỉ số BMI thì ba mẹ có thể quan sát biểu hiện của trẻ.
- Trẻ có thân hình tròn trịa nhưng chân tay khẳng khiu, lực cơ yếu.
- Có những lớp mỡ quanh đùi, cánh tay, trên vú và ở cằm.
- Người phù nề nhất là ở mí mắt, mặt và hai chân.
- Trẻ bị rối loạn sắc tố da như: Có vết loang lổ trên da, có những chấm hoặc nốt rải rác hoặc tập trung thành từng mảng màu đỏ, nâu, đen, da khô, bong vẩy, dễ bị hăm đỏ, lở loét...
Để chắc chắn hơn, ba mẹ vẫn nên cho trẻ tới bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, có hướng điều trị đúng đắn.
4. Bệnh béo phì ở trẻ gây biến chứng như thế nào?
Nếu bệnh béo phì ở trẻ không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra biến chứng, phát sinh các bệnh khác, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của trẻ. Có thể nói, bệnh béo phì ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể:
- Rối loạn chuyển hóa: đái tháo đường, tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ, gút, …
- Trẻ dậy thì sớm, cao hơn, vùi dương vật, buồng trứng đa nang, …
- Bệnh thần kinh: nhức đầu giả u não
- Các bệnh về tim mạch: tăng huyết áp, phì đại cơ tim, thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành sớm (12-13 tuổi ), đột tử.
- Bệnh về xương khớp: nứt đầu xương đùi, chân cong, thoái hóa khớp.
- Ung thư: ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư đại tràng và túi mật, ung thư buồng trứng.
- Mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
- Rối loạn tâm lý, kém hòa nhập, học kém, kì thị, trầm cảm.
5. Chế độ tập luyện và ăn uống cho trẻ béo phì
Chế độ tập luyện:
- Khuyến khích trẻ luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày hoặc 3-4 lần/tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút.
- Các bài tập thể dục: đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, bóng rổ,... (lưu ý tập luyện với cường độ nhẹ nhàng khi mới tập luyện và tăng dần)
Chế độ ăn uống:
- Tuyệt đối không nhịn ăn để giảm cân.
- Bữa ăn vẫn cần cung cấp đủ chất canxi, vitamin, khoáng chất.
- Hạn chế đồ ăn giàu đường, chất béo như đồ ăn nhanh, thức ăn chiên, nướng, kem, váng sữa, kẹo, bánh ngọt, nước ngọt có gas,...
- Có thể ăn vặt bằng thức ăn có lợi như trái cây, yogurt ít béo trộn kèm với trái cây, uống nước lọc, nước uống thông thường, sữa tách béo 1 phần (1% béo) hoặc sữa không béo.
- Giảm tinh bột trong khẩu phần ăn mỗi ngày, có thể ăn ngũ cốc nguyên cám, nguyên hạt thay cho tinh bột đã chế biến, nghiền, hầm; ăn nhiều rau xanh, trái cây.
- Ăn nhiều vào bữa sáng, ăn ít vào bữa tối.
- Ngủ đủ giấc, vận động thường xuyên, không nên ngồi nhiều một chỗ xem tivi, chơi game...
6. Phòng ngừa bệnh béo phì ở trẻ
- Ba mẹ và con cái cùng lên kế hoạch tập luyện thể dục thể thao hằng ngày, vận động hoặc làm các công việc tay chân khi có thời gian rảnh, hạn chế ngồi một chỗ lâu để xem tivi, máy tính, điện thoại, chơi game.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, mỗi bữa nên đủ 4 nhóm chất: đường, béo, đạm và khoáng chất. Chế độ dinh dưỡng phải cân bằng, không ăn quá nhiều chất đường và chất béo.
- Nghỉ ngơi đúng giờ, đủ giấc.
- Ba mẹ hãy luôn tạo cho trẻ động lực hoạt động thể chất, tạo nguồn năng lượng tích cực để trẻ học theo.
Hãy giúp trẻ tăng cân hay giảm cân một cách khoa học và lành mạnh. Tuyệt đối không tin vào các loại thuốc được rao bán với khả năng giảm cân nhanh chóng. Nếu trẻ có dấu hiệu hay mắc bệnh béo phì thì hãy đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và có hướng điều trị đúng đắn.
Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh béo phì ở trẻ em. Hiện nay, tỉ lệ trẻ mắc bệnh béo phì khá cao, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của trẻ sau này, do đó, ba mẹ cần lưu ý để tránh con mắc bệnh này hoặc phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Bình luận về bài viết