Trẻ nói ngọng khi bắt đầu tập nói là điều hết sức bình thường và sẽ dần hết khi bé 4-5 tuổi. Tuy nhiên, trên 6 tuổi mà trẻ vẫn còn còn tật nói ngọng thì đây là bệnh lý mà ba mẹ cần phải quan tâm. Để tránh tình trạng trẻ lớn lên vẫn nói ngọng làm ảnh hưởng đến cuộc sống thì ba mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa tật nói ngọng cho trẻ càng sớm càng tốt nhé.
1. Vì sao trẻ nói ngọng?
Nguyên nhân bẩm sinh: Khi sinh ra trẻ đã có các dị tật như lưỡi ngắn, đầy lưỡi, hở hàm ếch, chẻ vòm hay các bệnh về răng miệng thì rất có thể dẫn đến trẻ nói ngọng. Ngoài ra, có thể trẻ nghe không rõ âm do khiếm khuyết thính giác dẫn đến nghe sai và phát âm sai đi thành nói ngọng.
Nguyên nhân khác:
- Là do trẻ tự bóp méo âm thanh để truyền đạt ý mình cho người khác hiểu theo suy nghĩ riêng của trẻ.
- Người lớn không sửa ngay những từ mà trẻ nói sai, khiến trẻ tạo thành thói quen mà lặp lại.
- Ba mẹ và những người xung quanh sử dụng sai ngôn ngữ khiến con cái bắt chước.
- Một số bệnh khi trẻ mắc phải gây khó thở, ngạt mũi khiến khi nói trẻ phải thè lưỡi ra để phát âm cũng là nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng.
- Ngậm vú giả thường xuyên: Lưỡi trẻ có xu hướng thè ra ngoài khi ngậm vú giả liên tục nên khi phát âm lưỡi trẻ cũng đưa ra ngoài theo thói quen khiến âm phát ra không chuẩn thành nói ngọng.
- Rối loạn hành vi: Theo các chuyên gia tâm lý, khi trẻ chơi điện thoại, xem ti vi, máy tính, chơi game quá nhiều có xu hướng học ngôn ngữ nhìn – nói chứ không theo cách thông thường là nghe – nói, khiến thính giác không được kích thích, gây rối loạn phát âm, dẫn đến nói ngọng.
2. Dấu hiệu của trẻ mắc tật nói ngọng
Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sau đây tức là trẻ đã mắc tật nói ngọng, ba mẹ hãy giúp trẻ khắc phục tình trạng sớm nhất có thể nhé.
- Trẻ gặp khó khăn khi cử động môi, miệng, lưỡi, hàm dưới,...
- Trẻ hay gặp các lỗi phát âm
- Nói chậm, nói khó, không rõ ràng âm, từ
- Hơi thở ngắn hoặc không đều.
Nói chung, tật nói ngọng ở trẻ rất dễ phát hiện, ba mẹ không nên xem nhẹ tình trạng này của trẻ. Bởi nếu không sửa chữa rất có thể trẻ sẽ nói ngọng suốt đời, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.
Người nói ngọng có thể gặp các vấn đề như:
- Bị phân biệt đối xử vùng miền
- Bị người khác chế giễu, chê cười
- Tự ti khi giao tiếp, trốn tránh các cuộc trò chuyện, ít nói.
- Diễn đạt không rõ ý của bản thân khiến đối phương hiểu nhầm, hiểu sai, đánh mất cơ hội trong cuộc sống.
- Có thể dạy sai, làm con cái sau này cũng bị ngọng theo.
3. Cách chữa tật nói ngọng ở trẻ
Như đã nói ở trên, trẻ trong độ tuổi tập nói từ 2-4 tuổi nói ngọng là điều bình thường. Nếu khi bé đã vào tiểu học mà tật nói ngọng vẫn chưa sửa được thì ba mẹ cần quan sát xem trẻ có gì bất thường, nguyên nhân trẻ nói ngọng như vừa tìm hiểu ở trên để tìm cách chữa cho trẻ.
Thông thường, nếu trẻ nói ngọng do phát âm sai theo người lớn, theo vùng miền, bắt chước sai thì ba mẹ có thể sửa cho bé ở nhà bằng cách:
- Giúp bé thoải mái, thả lòng người và thật bình tĩnh trước khi nói, không gây áp lực cho bé
- Không hỏi dồn khiến bé lúng túng, nói lắp, ngọng...
- Hướng dẫn cho bé cách đặt lưỡi thế nào cho đúng, hơi bật ra làm sao và làm mẫu để bé dễ dàng bắt chước và học theo.
- Nói chuyện, hát cho bé nghe: dùng từ ngữ thật chuẩn và thường xuyên, bé sẽ có một quá trình để bắt chước theo những bài hát, câu chuyện mà bạn kể. Sau đó khuyến khích bé tự hát, kể lại chuyện, đọc một bài thơ... để bé tập đọc đúng chính tả.
- Sửa ngay cho bé khi bé nói sai, hoặc nói lại nhiều lần từ bé hay nói sai cho đúng để bé ghi nhớ và làm theo.
- Khuyến khích bé tham gia nhiều hoạt động bên ngoài, giao tiếp với nhiều người, nhất là ở chỗ đông người sẽ khiến bé nhanh nhẹn, dạn dĩ, mau miệng hơn.
- Hạn chế để bé giao tiếp với người cũng có tật nói ngọng bởi sẽ bắt chước và nói ngọng theo.
- Khi trẻ nói ngọng, người lớn tuyệt đối không nhại lại hay cười cợt, điều này khiến bé sẽ không ý thức được rằng mình vừa phát âm sai và còn khiến tình trạng nói ngọng của bé nặng hơn.
Ngoài ra, trị liệu vật lý ngôn ngữ cũng là một cách chữa tật nói ngọng ở trẻ hiệu quả cao. Bạn cần đưa bé đến bác sĩ trị liệu để được thăm khám, nhận biết mức độ nói lắp của trẻ và có những bài tập phù hợp cho trẻ.
Một số bài tập chữa tật nói ngọng ba mẹ có thể dạy bé ở nhà:
- Hướng dẫn trẻ cử động miệng, lưỡi, cơ quan phát âm: Há to miệng rồi ngậm lại; đưa lưỡi lên trên, xuống dưới, sang phải, sang trái; đưa lưỡi dài ra, thụt vào; tập thổi bong bóng xà phòng; tập phát âm chữ x,...
- Hướng dẫn trẻ tạo âm và sửa các lỗi phát âm của trẻ. Với trẻ bị ngọng cả nguyên âm và phụ âm thì dạy trẻ tạo các nguyên âm trước, khi trẻ đã phát âm được các nguyên âm thì bắt đầu tập phát âm các phụ âm.
- Hướng dẫn trẻ đọc các phụ âm môi như b, m, p; khi đã phát âm rõ thì ghép với nguyên âm.
- Hướng dẫn trẻ nói các từ đơn, khi trẻ đã nói được nhiều từ đơn thì dạy trẻ ghép từ thành câu ngắn, sau đó là câu dài.
Để bé lớn lên với sự vui vẻ, tự tin khi giao tiếp, ba mẹ hãy chữa tật nói ngọng ở trẻ càng sớm càng tốt nhé. Hy vọng những thông tin hữu ích với các phụ huynh có con nhỏ.
Bình luận về bài viết