Hầu hết các mẹ đều nghe đến hiện tượng vàng da sinh lý, tức là bé sẽ bị vàng da vài ngày sau sinh và tự hết. Tuy nhiên, bên cạnh vàng da sinh lý và tự khỏi, trường hợp vàng da bệnh lý có thể tiến triển nhanh, để lại di chứng nặng nề cho trẻ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
I. Vàng da là gì?
Vàng da là tình trạng da có màu vàng, thường gặp ở rất nhiều trẻ sơ sinh. Trẻ bị vàng da khi một chất hóa học là bilirubin bị tích lũy lại trong máu của trẻ. Trẻ sơ sinh có màu da nào: vàng, đen hay trắng cũng có thể bị vàng da.
Hầu hết trẻ sơ sinh bị vàng da nhẹ và sẽ tự khỏi, gọi là vàng da sinh lí. Nhưng trong những tình huống bất thường mức bilirubin có thể lên rất cao và có thể gây tổn thương não. Đây là lý do tại sao trẻ sơ sinh nên được kiểm tra kỹ lưỡng bệnh vàng da và điều trị để ngăn ngừa mức bilirubin cao.
II. Phân biệt vàng da sinh lý và bệnh lý
1. Vàng da sinh lý
Trẻ sơ sinh có hiện tượng vàng da do trẻ có số lượng hồng cầu trong máu lớn, hồng cầu chứa HbF nên đời sống hồng cầu ngắn (hồng cầu vỡ ra giải phóng các yếu tố bên trong hồng cầu gây nên chuyển hóa tăng bilirubin tự do), chức năng gan của trẻ còn kém, đồng thời khả năng bài tiết mật của gan cũng chưa trưởng thành.
Ở trẻ đủ tháng, sức khỏe bình thường thì vàng da được coi là sinh lý khi có đủ các tiêu chuẩn sau:
- Xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sinh.
- Tự hết trong vòng 7-10 ngày.
- Vàng da ở mức độ nhẹ (chỉ vàng da vùng cổ, mặt, ngực và vùng bụng phía trên rốn).
- Chỉ là vàng da đơn thuần, không kèm theo các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, li bì…
- Nồng độ bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng.
- Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
Vàng da sinh lý không cần can thiệp y tế. Chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ, cơ thể sẽ đào thải bilirubin ra ngoài và tình trạng vàng da sẽ biến mất trong vòng 1 đến 2 tuần.
2. Vàng da bệnh lý
Vàng da được coi là bệnh lý khi vàng da xuất hiện sớm, vàng da tiến triển nhanh, mức độ vàng nhiều và thường kèm các triệu chứng bệnh lý khác. Những ngày đầu sau sinh là “thời điểm vàng” để bố mẹ theo dõi tình trạng vàng da ở trẻ.
Những bất thường đó là:
- Vàng da đậm xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 ngày sau sinh;
- Vàng da không chỉ xuất hiện ở mặt, mắt mà còn lan đến bụng, cánh tay, chân;
- Không hết vàng da sau 2 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 3 tuần đối với trẻ non tháng;
- Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, nôn trớ, sốt, khóc nhiều, phân bạc màu…
- Vàng da ở trẻ sinh non, đặc biệt trẻ sinh non dưới 35 tuần tuổi thai
Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa sơ sinh để được chẩn đoán và điều trị vàng da sơ sinh càng sớm càng tốt, tránh xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh.
III. Chăm sóc và điều trị trẻ bị vàng da như thế nào?
1. Đối với trẻ vàng da sinh lý
Hầu hết trẻ bị vàng da không cần điều trị, sẽ tự hết. Ở trẻ bú sữa mẹ, vàng da thường kéo dài hơn 2 đến 3 tuần. Ở trẻ sơ sinh bú sữa bột, hầu hết bệnh vàng da đi sau 2 tuần. Nếu con bạn bị chứng vàng da trong hơn 3 tuần, hãy đưa bé đi khám.
Để giúp bé nhanh hết vàng da, bố mẹ có thể làm những việc sau:
- Nếu bạn cho con bú sữa mẹ, nên cho bé bú ít nhất 8 đến 12 lần trong một vài ngày đầu tiên. Điều này vừa kích thích sản xuất sữa, vừa giúp giảm bilirubin xuống
- Nếu bé uống sữa công thức, hãy cho bé uống theo lịch (thường là 6-10 cữ một ngày)
- Chưa có bằng chứng chứng minh tắm nắng có hiệu quả giảm vàng da, tắm nắng còn kèm các nguy cơ khác: Hiệp hội nhi khoa Mỹ “không khuyến cáo” cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng để giảm vàng da. Cho bé phơi nắng có thể làm giảm mức bilirubin, bởi vì quang phổ (ánh sáng xanh) dùng trong liệu pháp chiếu đèn (430-490nm) có trong bước sóng của ánh sáng mặt trời trong vùng nhìn thấy được bằng mắt thường (380-780nm).
- Tuy nhiên, việc phơi nắng chỉ có hiệu quả nếu em bé cởi quần áo hoàn toàn. Điều này không thể được thực hiện một cách an toàn trong nhà vì bé sẽ bị lạnh, còn ở ngoài trời dưới ánh nắng trực tiếp thì bé có nguy cơ bị bỏng nắng. Thường thì để không phải lo ngại đến vấn đề an toàn, bạn có thể chỉ cho bé phơi nắng trong khoảng thời gian quá ngắn, hầu như không đủ để có tác dụng gì. Hơn nữa, bé cũng bị tiếp xúc với ánh sáng tử ngoại (100- đến 400- nm) và ánh sáng hồng ngoại (700- to 1mm-) gây hại cho da bé, tăng nguy cơ ung thư da về lâu dài.
Mặc dù có khuyến cáo này, rất nhiều bác sĩ nhi khoa vẫn tiếp tục đề xuất cho trẻ phơi nắng để chữa trị vàng da như một phương pháp chữa bệnh không dựa trên bằng chứng y khoa. Tuy nhiên, bố mẹ không nên thử phương pháp này vì nó không thể nào có cơ may hiệu nghiệm và có khả năng gây hại cho bé.
2. Đối với trẻ vàng da bệnh lý
Đầu tiên, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng bilirubin trong máu bé. Nếu chỉ số này cao, phương pháp điều trị phổ biến nhất là chiếu đèn, đặt bé cởi trần dưới ánh sáng đặc biệt để làm giảm mức bilirubin. Với những em bé bị vàng da nặng, bác sĩ có thể sẽ phải lọc máu cho bé.
Tắm nắng không phải là một phương pháp chữa vàng da được công nhận và khuyến khích. Nếu bé bị vàng da nặng, bố mẹ không nên tự chữa trị tại nhà bằng cách tắm nắng hay thử các biện pháp chữa trị khác.
Vàng da là vấn đề phổ biến ở trẻ, bởi vậy cha mẹ hãy trang bị đầy đủ kiến thức để kịp thời nhận biết các dấu hiệu và có biện pháp điều trị đúng cách cho con.
Bình luận về bài viết