Gia đình có thêm thành viên mới là một bước ngoặt lớn đối với bất cứ đứa trẻ nào. Tâm lý của trẻ khi có em có thể thay đổi đặc biệt dù trước đó bé rất háo hức và tỏ ra hứng khởi. Mẹ cần hiểu và nắm rõ tâm lý cũng như những thay đổi dù rất nhỏ trong cách ứng xử, hành động của trẻ để kịp thời phát hiện, dành thời gian bên con nhằm tránh cảm giác bị “ra rìa”.
Vì sao trẻ thay đổi khi có em?
Trước khi có em bé, trẻ được chăm sóc, chiều chuộng, quan tâm tuyệt đối về vật chất cũng như tình cảm của không chỉ bố mẹ mà còn của những người thân khác trong gia đình.
Khi trẻ là con đầu lòng, bố mẹ càng yêu chiều nhiều hơn tạo cho bé nếp nghĩ mình là “trung tâm của vũ trụ”. Trẻ không quen với việc san sẻ tình thương và các nhu cầu với bất cứ ai. Nhận thức non nớt của trẻ nhỏ lúc này chỉ biết rằng nhu cầu của bản thân là trên hết và sẽ được bố mẹ đáp ứng ngay lập tức, không ai có thể tranh giành. Đó giống như một kiểu tin tưởng đã được mặc định mà trẻ chắc chắn là sẽ không có sự thay đổi.
Rồi bỗng dưng em bé xuất hiện, mọi thứ không còn đúng như quỹ đạo ban đầu mà trẻ đã quen. Ngay từ khi mẹ mang bầu, sự mệt mỏi của quá trình thai nghén khiến mẹ dãn dần sự quan tâm đối với bé. Dù em chưa xuất hiện, nhưng những thay đổi này của mẹ, trẻ cũng có thể cảm nhận được. Nhưng chỉ đến khi em bé chào đời, trẻ bắt đầu phải trải qua với rất nhiều những biến đổi lạ lẫm mà chưa bao giờ trẻ thấy.
Cha mẹ cần làm gì?
1. Bố mẹ cần hiểu tâm lý trẻ khi có em
Làm cha mẹ, có rất nhiều điều chính bản hân chúng ta cũng phải học hỏi mỗi ngày, để hoàn thiện và chu toàn hơn vai trò, bổn phận của mình trong cuộc sống gia đình, cũng như chăm sóc con cái. Trong đó, hiểu tâm lý trẻ ở từng thời điểm là cách mở đường quan trọng không chỉ để bố mẹ hiểu con để chăm sóc con tốt hơn, còn là cách để bố mẹ có thể nuôi dạy giáo dục con theo chiều hướng tích cực và có hiệu quả. Việc hiểu tâm lý con không dừng ở chỗ con thích gì, tính tình con ra sao, con là đứa trẻ có cá tính đặc biệt gì hay không; bố mẹ cần phải hiểu tâm lý con đối với mỗi sự việc hay sự kiện có thể diễn ra trong gia đình, trong đó đương nhiên bao hàm cả việc khi gia đình có thêm một thành viên mới.
Việc có em với người lớn là một vấn đề đơn giản, song với trẻ nhỏ có thể là một cú sốc, một bước ngoặt thậm chí là một ký ức khó phai mờ ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của trẻ. Nếu như chưa có em trẻ được tất cả gia đình quan tâm, săn sóc và tin rằng điều này là không thay đổi thì khi có em, từ việc mẹ không còn thường xuyên chăm sóc trẻ trọn vẹn như ban đầu, đến khi mẹ sinh em bé, việc chú ý vào trẻ giảm bớt, sự tập trung của mọi người vào trẻ cũng không còn như trước đây...khiến trẻ cảm thấy tủi thân, có khi là lạc lõng, hoang mang, tổn thương...Cảm nhận tiêu cực của trẻ âm thầm diễn ra hàng ngày, tăng lên và dẫn đến những thay đổi rõ nét về tâm trạng, tâm lý của trẻ, hơn thế còn có thể khiến hành vi tính cách của con cũng thay đổi. Để việc bé có em không trở thành một ký ức không đẹp cho trẻ, bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý thật tốt cho bé đầu.
2. Nắm rõ các thay đổi ở trẻ
Người lớn chúng ta hầu như ai cũng biết trẻ sẽ có thay đổi khi biết có em và khi có em. Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận rằng, chúng ta rất xem nhẹ điều này. Một số trẻ có thể sẽ có những phản ứng rõ ràng khi có em bằng cách vòi vĩnh, khóc lóc nhằm lôi kéo sự chú ý của bố mẹ và cả gia đình vào bản thân mình trở lại. Cũng có trẻ từ ngoan ngoãn bỗng trở nên "bất tuân" luôn làm trái ý người lớn. Cũng có những trẻ từ "dễ thương" bỗng trở thành lầm lì khó bảo....
Tùy vào từng trẻ, tùy tính cách và chiều sâu tâm lý của mỗi trẻ thường ngày như thế nào, biểu hiện cũng như tâm lý khi con có em sẽ có mức tương đương như vậy. Bố mẹ cần hiểu con mình, để khi con có những thay đổi khi có em, chấp nhận, thông cảm và thấu hiểu con hơn. Từ sự thấu hiểu này, bố mẹ sẽ không lên án hay quát nạt trẻ vì sự thay đổi đó, mà có cách xử lý phù hợp, để giảm thiểu những bất an cho trẻ, giúp con sớm bình tĩnh trở lại, nhanh chóng trở lại là một đứa trẻ hiểu chuyện hơn.
3. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ
Đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với mọi bậc phụ huynh, khi gia đình có thêm một thành viên nữa. Nếu bố mẹ sẵn sàng cho việc có thêm em bé, thì cũng cần giúp trẻ, đồng hành với trẻ để sẵn sàng đối diện với vấn đề lớn lao này.
Trẻ con rất thú vị và rất thông minh. Trẻ có thể tiếp thu và có thể tự hình dung, liên kết, sâu chuỗi sự việc theo sự hiểu biết ở mức độ của mình. Do đó, bố mẹ cần coi trọng điều này, cần suy nghĩ rằng, nếu mình giải thích, chắc chắn con có thể hiểu ở mức độ của con, để chấp nhận sự thật đang chờ ở phía trước. Khi bé được chuẩn bị và sẵn sàng, bé sẽ cảm thấy vui và hạnh phúc khi mình sắp có em.
Để chuẩn bị tâm lý cho trẻ , bố mẹ có thể bắt đầu kể cho con nghe những câu chuyện liên quan về anh em - chị em, từ sách truyện hay từ những câu chuyện thực tế xung quanh. Hãy hỏi con xem, con có thích việc sẽ có thêm một em gái hay một em trai hay không.Hay như bố mẹ có thể sử dụng hình ảnh hay video liên quan đến thai kỳ, chỉ cho con và giúp con liên tưởng em bé trong bụng mẹ bây giờ cũng đang như thế.
Bố mẹ cần nhẹ nhàng, kiên nhẫn cho bé tiếp cận từng tình huống, câu chuyện một, từ khi mẹ mang bầu em, cho đến khi mẹ sinh và chăm sóc em bé. Sự chuẩn bị này là bước đệm quan trọng để con sẵn sàng tiếp nhận và chấp nhận việc mình cũng sẽ sớm chuyển sang một giai đoạn khác, mà ở đó trẻ cũng có vai trò quan trọng khi thành viên mới ra đời. Nhờ được chuẩn bị như vậy, trẻ cũng giảm bớt sự ganh tị. Có những trẻ, khi được chuẩn bị tâm lý, thậm chí khi em ra đời, trẻ không chỉ nhanh chóng chấp nhận hiện thực mà còn mong chờ, nhanh thích ứng và ngoan hơn so với tưởng tượng của bố mẹ.
4. Để con cùng tham gia việc trông em cùng mẹ
Bạn có thể giao cho bé những công việc đặc biệt, bé có thể khiến bạn ngạc nhiên vì những gì có thể làm. Khi bạn tắm em bé, bé có thể giúp bạn chà xà bông vào chân em. Bé có thể vui khi giúp bạn lấy tã hoặc một bộ đồ mới cho em. Khi em khóc, bạn có thể bảo bé vỗ nhẹ lưng em hoặc nói chuyện dịu dàng với em.
Nếu bé muốn bế em, bảo bé ngồi cạnh bạn và chuyền em qua tay bé, hoặc cho bé ngồi ở ghế với những chiếc gối chắn hai bên, đặt em vào đùi bé, nhưng bạn cũng nên ngồi kế bên và luôn cẩn trọng quan sát. Bé có thể làm tốt một vài giây, sau đó sẽ cố gắng đẩy em ra khỏi lòng. Bé không cố gắng làm em đau, có thể bé chỉ nghĩ em như một món đồ chơi.
Bạn cũng có thể hỏi ý kiến của bé: “Con nghĩ em sẽ thích mặc áo vàng hay áo xanh?” hoặc: “Con có muốn giúp mẹ kể chuyện cho em nghe không?”. Các bé ở độ tuổi này thường có năng khiếu tự nhiên để bày trò như hát, nhảy hoặc làm mặt xấu và em bé là một khán giả biết thưởng thức. Bé không chỉ thích sự chú ý, đảm bảo là bé sẽ cảm thấy tự hào khi chọc em cười.
Đừng để con lạc lõng cô độc và thu mình lại khi gia đình có thêm thành viên mới. Tâm lý trẻ khi có em có thể xem là một trong những tình trạng tâm lý khá phức tạp, mà đôi khi bố mẹ không thực sự hiểu hết hay có thể lường trước. Tuy nhiên, không có việc gì mà chúng ta không giải quyết được, một khi chúng ta có bước tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu. Nếu bố mẹ đang háo hức chờ đón thêm thành viên mới trong gia đình, hãy bảo đảm sự hiện diện của em bé đầu tiên là vô cùng quan trọng trong mọi thời khắc, mà mình không thể khinh suất hay lơ là. Chỉ có như thế, việc con trẻ có em mới thực sự trở thành một ký ức tốt đẹp, một khoảng thời gian tuyệt vời con trải qua, với tâm lý ổn định và trạng thái thực sự "yên bình".
Dù trẻ nhỏ, nhưng không có nghĩa trẻ không tiếp thu được những gì bạn nói. Đơn giản là trẻ cần nhiều thời gian hơn. Và bố mẹ nên kiên nhẫn, từ từ tạo cho trẻ thói quen biết quan tâm đến em bé ngay từ trong bụng mẹ cũng như khi em bé chào đời. Hãy tìm cách lôi kéo trẻ vào việc chăm sóc em để trẻ thấy có trách nhiệm với em và không thấy bị “bỏ rơi”.
Bình luận về bài viết