Có cả một môn khoa học xung quanh các khái niệm về thứ tự sinh. Nhà tâm lý học Alfred Adler là người đầu tiên cho ra đời “Lý thuyết thứ tự sinh”. Ông cho biết để hiểu được một người, điều quan trọng nhất là bạn phải đặt họ vào trong bối cảnh có sự tương tác với những người khác. Từ đó, ông đã kết luận rằng tính cách và hành vi của một người đã xuất hiện từ thời thơ ấu và thứ tự sinh là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến tính cách của trẻ.
1. Con đầu
Theo Adler, con đầu thường có xu hướng bảo thủ, có khả năng định hướng, có trách nhiệm và có đầu óc của một nhà lãnh đạo. Do là anh chị lớn nhất nhà nên trẻ thường phải chịu trách nhiệm với các em của mình, biết chăm sóc em, lo cho em thay cho cha mẹ. Bởi vậy, trẻ sẽ chủ động trước mọi tình huống và thường có ý thức rất cao về trách nhiệm.
Con đầu thường rất chăm chỉ và luôn muốn làm hài lòng cha mẹ hay thầy cô. Nếu cha mẹ quá nghiêm khắc và đòi hỏi quá nhiều, trẻ sẽ cố gắng và cố gắng hơn nữa. “Chủ nghĩa hoàn hảo” là một trong những đặc điểm trong tính cách của con đầu lòng. Theo nghiên cứu, con đầu cũng là đối tượng dễ mắc phải các rối loạn tâm lý như lo lắng, trầm cảm, căng thẳng… Ngoài ra, trẻ cũng dễ có cảm giác ghen tị và bất an khi cha mẹ không chú ý nhiều đến mình và quan tâm đến những đứa trẻ khác trong gia đình.
2. Con giữa
Những trẻ được sinh ra thứ hai thường rất hòa đồng và bình đẳng. Do trẻ không có nhiều trách nhiệm như anh/chị của mình và không cần nhiều sự chăm sóc như các em nên đôi khi trẻ trở thành người rất biết điều chỉnh. Không những vậy, trẻ sẽ có kỹ năng giao tiếp rất tốt và có thể kết nối mọi người lại với nhau. Vì vậy, trẻ thường thích ở chung với bạn bè nhiều hơn là ở với cha mẹ vì cha mẹ chỉ thường chú ý đến con đầu hoặc con út. Ngoài ra, con giữa thường rất thân thiện, có thể làm việc nhóm rất tốt và luôn hỗ trợ, giúp đỡ mọi người.
Mặt khác, những đứa trẻ sinh ra sau anh/chị mình cũng rất dễ mất tự tin, ít tự trọng hơn các anh chị em vì đôi khi trẻ sẽ có cảm giác mình như người thừa, vô hình. Tuy nhiên, lý thuyết thứ tự sinh và sự phát triển tính cách thường khó áp dụng với con giữa bởi số lượng con giữa thường nhiều. Do đó, việc xác định đặc điểm tính cách thường rất khó.
3. Con út
Con út là đứa trẻ nhận được rất nhiều sự chăm sóc từ cả cha mẹ lẫn anh chị. Bên cạnh đó, cách nuôi dạy con của cha mẹ với con út thường rất thoải mái và cho phép chúng khám phá nhiều hơn. Vì vậy, con út thường là những đứa trẻ liều lĩnh và rất sáng tạo. Trẻ thường có năng khiếu về thể thao, âm nhạc hoặc nghệ thuật. Động lực chủ yếu của trẻ là phải làm tốt hơn để vượt qua anh chị của mình.
Tuy nhiên, con út lại có khuynh hướng vô trách nhiệm và phụ thuộc nhiều vào cha mẹ, anh chị. Điều này có thể khiến trẻ dễ bỏ việc khi trưởng thành.
4. Con một
Những đứa trẻ là con một thường rất tự tin vì trẻ nhận được tất cả tình yêu thương của cha mẹ. Đa phần trẻ chỉ thích ở một mình vì không có ai để trò chuyện và chơi chung.
Ngoài ra, vì là con một nên trẻ không có ai để cạnh tranh, để noi theo. Là con một nên trẻ được cả nhà yêu thương, nâng niu, bảo bọc quá mức. Do đó, tính ích kỉ, phụ thuộc và “tự cho mình là cái rốn của vũ trụ” là những tính cách thường thấy ở con một. Khi trưởng thành, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm nhóm hơn so với những trẻ có anh chị em.
Mặc dù thứ tự sinh có ảnh hưởng đến tính cách của trẻ nhưng điều quan trọng mà cha mẹ cần nhớ là sự chăm sóc, yêu thương và bình đẳng giữa những đứa trẻ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách của con.
Cùng tham gia cộng đồng chia sẻ, review, hỗ trợ tìm trường mầm non tốt cho con ở HÀ NỘI VÀ TP.HCM để tham khảo nhiều thông tin hữu ích nhé!
Bình luận về bài viết