Sâu răng là một bệnh rất phổ biến ở trẻ em. Trẻ bị sâu răng có thể gặp rất nhiều phiền toái trong sinh hoạt cũng như dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác. Vậy những dấu hiệu nào sẽ giúp cha mẹ sớm nhận biết được con mình đang bị sâu răng? Đâu là những sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi chăm sóc răng miệng cho con dễ dẫn đến sâu răng?
Hiện nay, số lượng trẻ bị sâu răng sữa từ sớm là tình trạng báo động không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê, tại Hoa Kỳ có đến 23% tỷ lệ trẻ em bị sâu nhiều răng, con số này ở Anh lên đến 28%, 51% ở Trung Quốc, 57% ở Ấn Độ và tại Nam Phi là 57%.
I. Sâu răng là gì?
Sâu răng là tình trạng răng bị tổn thương do vi khuẩn trong khoang miệng sản sinh ra axit và tấn công men răng dẫn đến các lỗ sâu hình thành trên răng, gây đau, nhiễm trùng, thậm chí là mất răng.
II. Dấu hiệu con bị sâu răng
Tình trạng sâu răng giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu. Cha mẹ thường chỉ phát hiện ra con bị sâu răng khi quan sát thấy răng trẻ có những lỗ nhỏ, răng bị đổi màu, bị đen hay nướu bị sưng, đau…
Nếu trẻ bị sâu răng, con có thể có các dấu hiệu khác như:
- Bé tỏ ra đau răng khi nhai hoặc cắn thức ăn
- Răng nhạy cảm khi tiếp xúc với thức ăn nóng hoặc lạnh
- Con bị đau răng mà không có lý do
- Hơi thở có mùi…
Nếu nhận thấy con có một trong những dấu hiệu trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp nha sĩ ngay. Răng bị sâu nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hỏng răng, phải nhổ bỏ răng.
III. Sâu răng có nguy hiểm không?
Nếu răng sữa bị sâu và rụng quá sớm, lợi sẽ bị khô và răng vĩnh viễn sẽ mọc lệch, mọc xấu, ảnh hưởng đến khả năng nhai và nói của trẻ rất nhiều, chưa kể còn mất tiền để làm thẩm mỹ răng sau này.
Thêm vào đó, răng là một bộ phận rất quan trọng ảnh hưởng đến khả năng phát âm và nói của trẻ. Sự kết hợp răng và lưỡi tạo nên các âm khác nhau. Khi trẻ bị sâu răng, hỏng răng, phát âm của trẻ có thể bị ảnh hưởng, không nói rõ âm.
Trước khi răng sữa được thay, những cơn đau có thể khiến trẻ chán ăn, sợ ăn nên không ăn uống đủ thức ăn để đảm bảo nguồn dinh dưỡng để phát triển nên giảm chiều cao, cân nặng. Thêm vào đó, những cơn đau có thể khiến trẻ bị mất ngủ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh răng những em bé 3 tuổi bị sâu răng thường nhẹ hơn 1 cân so với những trẻ khác.
Và nguy hiểm nhất là, nếu sâu răng nghiêm trọng ảnh hưởng đến tủy răng và lợi, bé có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng về răng miệng, phải chữa trị rất đau đớn và tốn kém.
IV. Những thói quen thường gặp gây hại cho răng của con
1. Chưa có răng, bé bú mẹ thì không cần vệ sinh miệng hàng ngày
Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ đã khẳng định dù bé bú mẹ hay bú bình thì từ sơ sinh đến trước khi bé mọc răng, bố mẹ vẫn phải hàng ngày nhẹ nhàng làm sạch nướu của bé bằng một chiếc khăn sạch. Khi có chiếc răng đầu tiên, dù chỉ là một chiếc, bố mẹ cũng nên bắt đầu đánh răng cho bé với một lượng bằng hạt gạo kem đánh răng có Flo nhé. Từ 3 tuổi trở lên, bé sẽ cần đánh răng với lượng bằng một hạt đậu.
2. Cho bé bú bình để ngủ hay bú bình quá lâu
Tầm 12-15 tháng, bố mẹ nên dạy bé uống từ cốc, không nên duy trì cho bé bú bình quá lâu. Và bố mẹ nên cho bé bú bình, đánh răng rồi mới đi ngủ thay vì ôm bình sữa đi ngủ vì chất lỏng tiếp xúc với răng miệng lâu sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn sâu răng phát triển
3. Nhai thức ăn rồi mớm cho bé hay thường xuyên cắn thức ăn cho bé
Vì vi khuẩn sâu răng có thể lây lan từ miệng người nhai sang bé, khiến bé bị sâu răng
4. Cho con ăn nhiều đồ ngọt
Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ em phần lớn là do thói quen ăn uống. Hàm lượng đường cao trong những thực phẩm mà trẻ ăn gây ảnh hưởng đến răng của trẻ. Trẻ em thường thích ăn đồ ngọt, chocolate, kem và các loại thực phẩm chứa nhiều đường nên chúng rất dễ bị sâu răng.
Ngoài ra, việc trẻ uống nước trái cây, nước ngọt, sữa… cũng có thể gây sâu răng. Răng của những đứa trẻ thường xuyên tiêu thụ những loại đồ uống này sẽ bị đường và các phẩm màu có trong nước uống bao bọc lại, gia tăng nguy cơ làm tổn thương men răng, dẫn đến nhiễm trùng.
Vậy làm thế nào để phòng ngừa sâu răng ở trẻ, ngay từ bây giờ bố mẹ hãy tập thói quen chăm sóc răng miệng cho bé nhé! Tham khảo ngay cách vệ sinh răng miệng đúng cách cho con TẠI ĐÂY.
Bình luận về bài viết