Có nhiều mẹ nghĩ rằng sâu răng và sún răng là bệnh lý răng miệng giống nhau. Tuy nhiên, sún răng và sâu răng lại là hai tình trạng bệnh hoàn toàn khác nhau. Bởi vậy, cha mẹ cần biết cách phân biệt sún răng và sâu răng ở con cũng như cách để phòng ngừa những vấn đề răng miệng thường gặp ở trẻ.
I. Sún răng ở trẻ
Sún răng trẻ em là tình trạng cấu trúc răng bị phá hủy khiến diện tích thân răng sữa của trẻ bị mài mòn và tiêu dần nhỏ đi so với các răng bình thường. Khi đó sẽ xuất hiện các đốm nâu, đen ở các vùng kẽ răng và dần lan rộng sang các răng bên cạnh làm cho men răng yếu và răng bị vụn đen.
Mặc dù sún răng không gây đau đớn cho trẻ như sâu răng nhưng có thể khiến răng tụt xuống lợi, chân răng rất đen và cứng. Do đó, nếu tình trạng này kéo dài không được điều trị kịp thời có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe răng miệng của trẻ.
II. Phân biệt sún răng và sâu răng ở trẻ
1. Độ tuổi
Sún răng thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 1-3. Trong khi sâu răng thường xảy ra ở trẻ em trên 3 tuổi và cả người lớn.
Sún răng làm tiêu dần răng sữa của trẻ. Sâu răng gây tổn thương trên bề mặt răng rồi ăn dần vào cấu trúc răng.
2. Biểu hiện
Biểu hiện ban đầu của sún răng là lợi của bé hơi cứng, chảy máu, hơi thở có mùi, răng bị tiêu dần. Sau đó quá trình sún răng không làm trẻ đau nhức. Răng bị sún chỉ còn những chân răng gần sát nướu, cứng và đen. Khi đó bệnh không tiến triển nữa. Chân răng vẫn còn nguyên đến 3-4 năm nữa thì thay răng vĩnh viễn.
Còn bé có biểu hiện sâu răng khi bị đau răng hoặc ê buốt răng, hơi thở có mùi hôi và nhìn bằng mắt thường sẽ thấy những đốm trắng ngà hay chấm đen trên răng.
Xem thêm:
DẤU HIỆU CON BỊ SÂU RĂNG? NHỮNG THÓI QUEN GÂY HẠI CHO RĂNG CỦA CON
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân của sún răng là do men răng yếu dễ bị tổn thương, dễ bị mẻ, vỡ răng, men răng đổi màu vàng sẫm. Hoặc do sử dụng nhiều kháng sinh gây biến màu men răng. Hoặc do bé thiếu canxi hoặc mẹ không bổ sung đủ canxi trong thời kỳ mang thai. Nhưng tác nhân trực tiếp gây sún răng chính là vi khuẩn. Vi khuẩn trên mảng bám sẽ biến đổi chất đường trong mảng bám thành axit. Axit này sẽ ăn mòn dần dần men răng.
Còn nguyên nhân chính của sâu răng là do vi khuẩn, vi khuẩn được hình thành từ mảng bám sau đó sẽ ăn mòn các lỗ sâu răng vào đến tủy.
III. Cách phòng ngừa các vấn đề răng miệng cho con
1. Vệ sinh răng cho con đúng cách
Khi chiếc răng đầu tiên của bé nhú lên là thời điểm người mẹ cần chăm sóc đặc biệt cho răng trẻ. Ban đầu, cha mẹ có thể vệ sinh răng sữa của bé bằng khăn gạc mềm vào mỗi sáng sớm và sau mỗi bữa ăn. Sau khi bé ăn nên cho uống nước ngay để rửa trôi thức ăn, làm sạch răng và họng, phòng ngừa sún răng và viêm họng cho bé.
Khi bé được 2 tuổi, hàm răng đã tương đối hoàn chỉnh, bé ăn được nhiều loại thức ăn của người lớn thì hàm răng cần được chăm sóc cẩn thận hơn. Phụ huynh nên chải răng cho bé bằng kem đánh răng có chứa flour để ngừa sâu răng. Với những bé có thói quen ăn vặt, ăn nhiều đồ ngọt, các bậc phụ huynh nên cho con chải răng ngay sau khi ăn để tránh sún răng, sâu răng.
Khi bé được 3 tuổi, bố mẹ nên cho bé tập tự chải răng đúng cách (chải răng dọc từ chân răng xuống, đủ 3 mặt răng ngoài – trên – trong ít nhất 2 lần vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ).
2. Lưu ý về thực đơn của con
Trong thời kỳ trẻ đang thay răng sữa, mọc răng vĩnh viễn, bố mẹ nên tăng cường các loại thực phẩm tốt cho răng của bé (giàu canxi và flour) vào chế độ ăn như cá biển, trứng, gan động vật, sữa tươi,... Cà rốt cũng là loại thực phẩm giúp răng chắc khỏe, giúp lợi mau liền khi bị tổn thương và làm giảm tình trạng chảy máu chân răng. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần hạn chế cho trẻ sử dụng những thực phẩm không tốt cho sức khỏe răng miệng như đồ uống có ga, nước ngọt, nước lạnh, bánh kẹo,...
3. Chú ý khi cho con sử dụng thuốc
Thuốc kháng sinh là một trong những thủ phạm gây vàng răng, hỏng men răng, đổi màu răng và rất khó để tẩy trắng lại. Vì vậy, để bảo vệ răng của bé, khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tốt nhất cha mẹ không nên cho bé uống các loại thuốc kháng sinh một cách tùy tiện.
4. Loại bỏ những thói quen xấu
Để bảo vệ răng của trẻ, các bậc phụ huynh cũng tuyệt đối chú ý không cho trẻ bú bình hoặc ngậm bình sữa khi ngủ. Đồng thời, không nên cho trẻ dùng răng cắn vật cứng, hạn chế cho bé ăn kẹo, uống nước có ga và ăn đêm. Nếu bé đã có thói quen uống sữa đêm thì sau khi uống sữa cha mẹ phải cho bé uống nước lọc để súc miệng.
Tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ đều khuyến cáo nên ngừng cho trẻ bú đêm khi bé được 8 – 10 tháng tuổi. Nguyên nhân là vì việc bú về đêm sẽ cho trẻ bị gián đoạn giấc ngủ, kém phát triển chiều cao dễ gây hư răng sữa. Với những trẻ có thói quen ngậm cơm, cha mẹ cần kiểm tra miệng bé sau khi ăn để tránh thức ăn thừa bám vào kẽ răng gây sún răng.
5. Đưa con đi khám răng định kỳ
Tốt nhất phụ huynh nên đưa bé đi khám răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần. Với những bé đã bị sún răng, răng sữa lung lay sớm thì cha mẹ nên đưa bé đến khám chuyên khoa răng – hàm – mặt tại các bệnh viện uy tín để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng của bé, đưa ra những biện pháp cần thiết nhằm tránh được hiện tượng răng bé mọc chen chúc hoặc mọc lệch sau này.
Vấn đề sún răng sớm của trẻ hoàn toàn có thể được phòng ngừa kiểm soát nếu phụ huynh chú ý tới việc vệ sinh răng miệng, duy trì thói quen sống khoa học và cho bé khám răng định kỳ.
Bình luận về bài viết