Con biếng ăn, lười ăn, không hấp thu chất dẫn đến phát triển chiều cao và cân nặng không đạt chuẩn chắc hẳn là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh. Vậy tại sao con lười ăn? Cha mẹ cần phải làm gì nếu con biếng ăn? Bố mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để có giải pháp giúp con ăn ngon miệng, đẩy lùi chứng biếng ăn nhé!
I. Tại sao con bị biếng ăn?
Trẻ biếng ăn là tình trạng trẻ ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng, thậm chí bỏ bữa không ăn. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ:
1. Phương pháp chăm sóc thiếu khoa học
Lý do phổ biến nhất dẫn đến tính trạng biếng ăn ở trẻ là cách chăm sóc chưa đúng cách của các bậc cha mẹ. Cụ thể như sau:
- Ép trẻ ăn, đây là tình trạng thường hay gặp nhất, cha mẹ ép trẻ ăn thật nhiều với suy nghĩ sai lầm rằng ăn nhiều mau lớn. Tuy nhiên cách này chỉ khiến trẻ sợ hãi, dẫn đến tình trạng “sợ” ăn, về lâu dài biếng ăn sẽ ngày một nghiêm trọng.
- Thực đơn không phong phú, ăn một món trong nhiều ngày cũng là nguyên dân gây biếng ăn ở trẻ.
- Trong khẩu phần ăn không có chất xơ, đây là chất kích thích khẩu vị của trẻ mà cha mẹ cần lưu ý.
- Cho trẻ ăn cơm quá sớm thường là trước 2 tuổi cũng khiến trẻ hình thành dấu hiệu biếng ăn.
- Thực đơn không khoa học khiến trẻ thiếu một số loại vitamin, kẽm và sắt. Trong đó thiếu kẽm là nguyên nhân chính dẫn đến biếng ăn ở trẻ.
2. Trẻ biếng ăn do bệnh lý
Mắc một số bệnh lý cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn của trẻ. Một số bệnh có thể kể đến như:
- Rối loạn tiêu hóa: nhiễm khuẩn đường ruột, đau bụng, đầy bụng, nôn trớ, tiêu chảy,... Những bệnh này khiến trẻ mệt mỏi và không ngon miệng từ đó dẫn đến tình trạng chán ăn. Nếu như kéo dài tình trạng này cần đưa trẻ đi khám để được điều chẩn đoán và điều trị kịp thời
- Trẻ mọc răng hoặc các tổn thương trong răng miệng, các vết thương này gây khó chịu khi trẻ nhai nuốt do đó khiến trẻ bỏ ăn, chán ăn.
3. Trẻ biếng ăn do tâm lý
Nhiều cha mẹ cho thuốc vào bột hoặc cháo để trẻ sử dụng khi bị ốm. Tuy nhiên chỉ một vài lần đầu trẻ bị lừa, nhưng đến nhiều lần sau trẻ sẽ tạo tâm lý cảnh giác hình thành nên tâm lý tránh xa thức ăn.
Ngoài những lý do kể trên thì còn một nguyên nhân khá phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Đó là tình trạng để trẻ xem TV hoặc sử dụng các thiết bị smart phone, Ipad,… quá đà. Từ đó ảnh hưởng đến bữa ăn, có nhiều trẻ phải có TV hoặc có điện thoại mới chịu ăn. Đây là thói quen không tốt phụ huynh nên xem xét để tìm cách khắc phục.
II. Biếng ăn ở trẻ gây hậu quả gì?
Tình trạng biếng ăn thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Biểu hiện của biếng ăn rất đa dạng. Trẻ 6 tháng biếng ăn thường bú ít, không hào hứng với đồ ăn dặm. Các bé lớn hơn thường ăn chậm hoặc rất chậm (bữa ăn có thể kéo dài 30 phút - 2 tiếng), trẻ ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt, không có cảm giác đói bụng nên không đòi ăn, giả vờ đau bụng khi đến bữa ăn,...
Khi bị biếng ăn kéo dài, trẻ sẽ bị thiếu năng lượng, thiếu chất dinh dưỡng, chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao, còi xương, suy dinh dưỡng và thậm chí là kém phát triển về trí não.
Đồng thời, trẻ thường bị suy giảm hệ miễn dịch, giảm khả năng chống đỡ trước các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn,... và tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm như cảm cúm, tiêu chảy, viêm đường hô hấp,... Khi bị ốm, bé càng biếng ăn và càng bị suy giảm sức đề kháng.
III. Làm gì khi con bị biếng ăn?
1. Đừng ép buộc bé phải ăn khi bé không muốn
- Các biện pháp như đe dọa, trừng phạt, la mắng, thậm chí là đánh đập đều khiến tình trạng biếng ăn của bé ngày càng trầm trọng hơn.
- Nếu bố mẹ muốn tập cho bé ăn món ăn mới, hãy cho bé ăn vào bữa sáng. Đây là khoảng thời gian bé có cảm giác đói nhất trong ngày và có thể sẵn sàng ăn thử một món ăn mới. Khi bé đã chịu ăn, bạn có thể chuyển món ăn vào thực đơn dành cho bữa trưa hoặc tối và chế biến món mới khác vào bữa sáng tiếp theo.
2. Tạo thực đơn đa dạng và trình bày bữa ăn đẹp mắt
- Trong mỗi bữa ăn nên có ít nhất một món ăn mà bé thích, điều này có thể kích thích sự thèm ăn của trẻ.
- Để con tự lựa chọn món con thích ăn miễn sao món ăn không gây hại cho trẻ là được.
- Hãy khuyến khích con ăn tất cả các món ăn có trên bàn, dù chỉ ăn mỗi thứ một ít.
- Hình thức trang trí món ăn cũng phần nào tạo hứng thú cho những trẻ biếng ăn. Cha mẹ có thể sáng tạo trong cách trang trí màu sắc đa dạng hoặc tạo hình ngộ nghĩnh làm thu hút sự chú ý của trẻ.
3. Luôn cho trẻ ăn đúng giờ và ăn cùng gia đình
- Đặt quy tắc cho con là không tự tiện ăn bất cứ thứ gì nếu chưa đến cữ ăn nhẹ và bữa ăn chính.
- Trước khi bắt đầu bữa ăn khoảng 10–15 phút, hãy thông báo cho bé biết là đã sắp đến giờ ăn.
- Hầu hết trẻ em thích bắt chước hành động của người khác. Vì vậy, bố mẹ hãy ăn uống đúng giờ, là tấm gương tốt cho bé trong việc ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe.
- Việc cả gia đình quây quần bên mâm cơm và vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ giúp bé ăn ngon miệng hơn.
4. Chia khẩu phần ăn của con thành những bữa nhỏ
Nếu con biếng ăn, bạn hãy chia bữa ăn của bé ra thành nhiều phần và cho bé ăn từng chút một vào những khoảng thời gian nhất định.
5. Cho con ăn bữa nhẹ bằng thực phẩm tốt cho sức khỏe
Bố mẹ có thể cho trẻ ăn những thức ăn nhẹ vào các bữa phụ như: sữa chua, trái cây, bánh ít ngọt… nhưng không nên cho trẻ ăn gần với bữa chính.
6. Không cho trẻ uống quá nhiều nước trước và trong khi ăn
- Việc trẻ uống quá nhiều trước và trong khi ăn sẽ khiến trẻ có cảm giác no không còn hứng thú để ăn.
- Ngoài ra, bạn cần hạn chế cho con uống sữa vào giữa đêm vì sẽ gây ảnh hưởng tới bữa ăn sáng hôm sau.
7. Cho trẻ vận động đầy đủ
- Việc trẻ ít vận động cũng có thể khiến trẻ biếng ăn. Bố mẹ nên khuyến khích bé yêu vận động hàng ngày. Nếu có thể, hãy dành thời gian vận động cùng con. Bạn có thể đi bộ, nhảy dây, chơi đuổi bắt, đá banh… cùng con. Việc vận động khiến bé tiêu hao nhiều năng lượng nên bé sẽ có cảm giác đói, ăn ngon hơn và có sức khỏe tốt hơn.
- Nếu bé còn nhỏ, mẹ hãy massage cho bé. Điều này giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn, góp phần hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa giúp trẻ khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.
8. Bổ sung các dưỡng chất cần thiết
Trẻ biếng ăn sẽ chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao vì không nhận đủ các dưỡng chất cần thiết cho quá trình tăng trưởng từ khẩu phần ăn hằng ngày, đặc biệt là các loại vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, canxi, sắt, kẽm, lysine và i ốt.
Để bé ăn ngon miệng trở lại thì phụ huynh có thể cho trẻ dùng thêm thực phẩm giàu vi chất hoặc các loại thuốc bổ sung dưỡng chất theo khuyến nghị của bác sĩ.
Hy vọng những thông tin trên đây có thể giúp các bố mẹ hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn của con. Từ đó có sự thay đổi về thói quen sinh hoạt và bí quyết ăn uống để con cải thiện tình trạng này!
Bình luận về bài viết