Những người mẹ Nhật Bản luôn có cách dạy con rất đặc biệt khiến nhiều bà mẹ châu Á phải ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Mặc dù có khác biệt về văn hóa nhưng mẹ Việt vẫn có thể áp dụng một số phương pháp dạy con của mẹ Nhật Bản cho phù hợp với đứa trẻ của mình. Hãy cùng Kiddi tìm hiểu mẹ Nhật dạy con theo từng giai đoạn như thế nào (0 đến 12 tuổi) và tham khảo nhé.
1. Giai đoạn 0-12 tháng tuổi
Cũng giống như mẹ Việt Nam, mẹ Nhật Bản luôn cố gắng nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời. Sau đó, bé có thể được ăn dặm nhưng không bắt buộc.
Thay vì cố gắng nhồi nhét cho trẻ những bát cháo bột với thịt, tôm, cá, rau,... xay nhuyễn thì mẹ Nhật để trẻ tự lựa chọn đồ ăn mà chúng thích. Như vậy, mẹ có thể biết được sở thích ăn uống của trẻ là gì, trẻ cũng thấy thích thú với việc ăn, luôn mong chờ tới bữa ăn chứ không phải lười ăn, ghét ăn, sợ ăn.
Mẹ Nhật cũng quan niệm rằng, ở giai đoạn 0-12 tháng tuổi, trẻ vẫn bú sữa mẹ và dinh dưỡng đã có đầy đủ trong sữa mẹ nên đồ ăn dặm chỉ mang tính chất bổ sung. Do đó, trẻ thích ăn bao nhiêu, ăn gì cũng được, không cần phải ép buộc ăn mọi thứ kể cả những thứ chúng không thích.
Đó là lý do vì sao, các mẹ Nhật Bản có phần nhàn hơn các mẹ Việt Nam trong việc cho con ăn. Dạy con theo từng giai đoạn như mẹ Nhật không hề khó, chỉ cần mẹ Việt thay đổi một chút quan niệm rằng trẻ phải biết ăn nhiều thứ mới đủ chất thì sẽ bớt áp lực cho cả mẹ và con hơn.
2. Giai đoạn 1 - 2 tuổi
Trẻ 1 tuổi đã bắt đầu nhận thức và biết bắt chước hành động của người lớn. Do đó, ở giai đoạn trẻ 1 tuổi trở đi, mẹ Nhật dạy con bằng cách thực hiện những hành động đơn giản để con làm theo. Ví dụ như dạy bé vỗ tay, nheo mắt, làm mặt cười, mặt xấu, lắc lư đầu,... Những hành động này sẽ giúp trẻ có nhận thức về cách biểu đạt cảm xúc, thể hiện trạng thái, vận động các giác quan.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm vàng để trẻ học và hình thành một thói quen nên mẹ Nhật rất chú trọng dạy con các kỹ năng như tự cởi quần áo, tự ngồi bô... Mẹ cũng sẽ bắt đầu thiết lập cho trẻ thời gian biểu rõ ràng trong ngày để trẻ dần làm quen và thích nghi. Chẳng hạn như thời gian ăn uống mỗi bữa chỉ kéo dài 30 phút, thời điểm bắt đầu đi ngủ và giấc ngủ kéo dài trong bao lâu là cần thiết, bé nên thức dậy lúc mấy giờ mỗi ngày,...
Nói chung, ba mẹ chú ý trẻ ở giai đoạn 1-2 tuổi rất dễ bắt chước người lớn nên có thể giúp bé nhận biết càng nhiều thói quen tốt càng tốt.
3. Giai đoạn 3 tuổi
Cũng giống như ở Việt Nam, trẻ Nhật Bản 3 tuổi là đủ tuổi để đi học mẫu giáo. Thời gian trẻ ở nhà không nhiều nhưng mẹ Nhật dạy con phải giữ mối quan hệ tốt với bạn bè và thầy cô ở trường. Trẻ khi đến lớp phải tự học cách làm quen với bạn mới, môi trường mới, chơi cùng các bạn mà không xảy ra xung đột, nếu có thì trẻ phải tự mình giải quyết vấn đề.
Lúc này, ba mẹ Nhật sẽ chỉ can thiệp vào việc học hay vấn đề con gặp ở trường trong trường hợp cần thiết, cần đến sự giải quyết của người lớn.
Còn phần lớn phụ huynh Việt Nam rất bao bọc con, cho rằng bé 3 tuổi thì chưa thể tự lập làm được gì. Thực tế, nếu ba mẹ cho trẻ cơ hội, tạo điều kiện dạy dỗ thì chắc chắn trẻ có thể làm tốt như tự ăn sáng, chuẩn bị quần áo, đồ dùng đi học,...
Mẹ Nhật cũng rất chú trọng đồ chơi, đồ dùng cho con ở giai đoạn này. Chủ yếu bé sẽ chơi các dạng đồ chơi thông minh như xếp hình, lắp ghép, cờ,..., đồ chơi mang tính logic đơn giản, kích thích trí tuệ.
4. Giai đoạn 4 tuổi
Mẹ Nhật dạy con giai đoạn 4 tuổi những kỹ năng như cầm đũa để ăn, dạy con cách tự vệ sinh sau mỗi lần đi cầu, tự tắm rửa,... Thông thường, mẹ sẽ làm mẫu vài lần, hướng dẫn từng bước để bé nhớ và làm theo. Trẻ cũng sẽ rất thích thú khi được học những điều mới, tự làm việc nhỏ cho chính mình.
Trẻ 4 tuổi đã có thể tự làm rất nhiều việc rồi. Vì vậy ba mẹ Việt đừng quá lo lắng và bao bọc con. Ngay từ khi còn nhỏ trẻ đã được rèn luyện tính cách tự giác, tự lập thì lớn dần trẻ sẽ có ý thức trách nhiệm hơn với vấn đề của chính mình.
5. Giai đoạn đến 6 tuổi
Trước đây người Nhật không mấy quan trọng ngoại ngữ, chỉ đề cao tiếng mẹ để nhưng những năm gần đây, chính sách giáo dục Nhật Bản thay đổi nên mẹ Nhật cũng chú trọng cho con học ngoại ngữ hơn.
Mẹ Nhật cũng hiểu, trẻ trong giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi có xu hướng phát triển và hoàn thiện kỹ năng ngôn ngữ nên cũng khuyến khích trẻ học ngoại ngữ ở giai đoạn này.
Nhưng theo mình thấy, ở giai đoạn này, phụ huynh Việt làm dạy con tốt hơn mẹ Nhật. Có rất mẹ Việt đã cho con học ngoại ngữ từ 3-4 tuổi, giúp bé tự tin, bản lĩnh hơn trước đám đông, thành thạo ngoại ngữ nhưng không quên đi tiếng mẹ đẻ.
6. Giai đoạn 6-12 tuổi
Người Nhật luôn đề cao tinh thần trách nhiệm với một vấn đề. Do đó, mẹ Nhật dạy con giai đoạn 6-12 tuổi thường tập trung hướng dẫn con hình thành thói quen tự giải quyết và tự chịu trách nhiệm.
Chẳng hạn, nếu trẻ thích nuôi một chú cún, mẹ Nhật sẽ yêu cầu con phải tự chăm sóc chúng và chịu trách nhiệm với tất cả vấn đề liên quan đến nó gồm cho ăn, dọn vệ sinh, trông giữ,...
Điều đáng học hỏi mẹ Nhật dạy con ở đây là họ luôn dùng hành động thực tế để giải thích một vấn đề cho con hoặc dùng hành động để làm gương cho con.
Ví dụ, thay vì ép “Con phải ăn hết bát cơm này ngay” thì mẹ Nhật sẽ chỉ cho con 30 phút để ăn, hết thời gian ăn mẹ sẽ dọn đi dù con chưa ăn đủ, dù con còn đòi. Điều này nhắc nhở bé lần sau phải ăn nhanh hơn, ăn đủ nếu không muốn bị đói.
Hay thay vì nói “con không được lãng phí đồ ăn” thì mẹ sẽ để bé tự trồng một vài loại rau củ, con tự làm từ gieo hạt, tưới nước, chăm sóc và thu hoạch. Con sẽ biết trân trọng đồ ăn hơn.
Việc học qua thực tế, thực hành sẽ giúp trẻ nhận ra bản chất của vấn đề và ghi nhớ lâu hơn, có giá trị thuyết phục với trẻ hơn.
Đây cũng là cách dạy con không đòn roi, không quát mắng mà ba mẹ Việt nên học hỏi.
Nhìn chung, mẹ Nhật dạy con theo từng giai đoạn có rất nhiều điều đáng để học hỏi. Tuy nhiên, khi ba mẹ Việt áp dụng thì cần biết chọn lọc, thay đổi phù hợp với những đứa trẻ của mình, không nên áp dụng một cách máy móc có thể phản tác dụng. Chúc ba mẹ sẽ chọn lựa được những điều tốt nhất cho bé con của mình.
Bình luận về bài viết