Cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt nhất cho con mình. Mặc dù không thể dạy trẻ mọi thứ, nhưng có một số kỹ năng quan trọng mà mọi bậc cha mẹ đều nên dạy con. Những kỹ năng này sẽ giúp trẻ xử lý vấn đề tốt hơn trong cuộc sống. Dưới đây là một số kỹ năng sống cho trẻ mà bố mẹ cần biết, hãy rèn luyện những kỹ năng này cho con càng sớm càng tốt bố mẹ nhé!
Lý do bé cần học kỹ năng sống
Mỗi đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã có những nét riêng biệt, sở hữu những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Mặc dù vậy, khi sống trong môi trường tập thể, mỗi bé cần có những kỹ năng chung nhất định để hòa nhập và vui chơi với bạn bè. Những kỹ năng này rất cần thiết đối với quá trình trưởng thành của trẻ.
Mầm non là độ tuổi giúp bé rèn kỹ năng cũng như thói quen của bản thân tốt nhất. Bởi thế, trẻ nên học từ lứa tuổi này để biết được cách tự lập và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống khi lớn lên. Kỹ năng sống cho trẻ mầm non bao gồm các kỹ năng như giao tiếp, thích nghi, khám phá thế giới xung quanh, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, tự bảo vệ mình, tự quyết định một số tình huống phù hợp với lứa tuổi…
Việc hình thành các kỹ năng cơ bản trong học tập và sinh hoạt là yếu tố quyết định đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sau này của trẻ. Nhất là trong thời buổi trẻ tiếp xúc với xã hội sớm như ngày nay, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thực sự rất cần thiết. Việc hình thành các kỹ năng cơ bản trong học tập và sinh hoạt không chỉ mang lại lợi ích về mặt sức khoẻ mà còn giúp các em sớm có ý thức để làm chủ bản thân, sống tích cực.
Những kỹ năng sống cần thiết cho bé mầm non
1. Tự ăn
Sau khi trẻ đã được 1 tuổi, ngồi vững và biết cầm nắm, bố mẹ nên tạo cơ hội để trẻ tự xúc thức ăn, cầm thức ăn để ăn; biết ăn được cái gì, không ăn được cái gì.
Ban đầu thường khá khó khăn, thông thường phải đến khi 3-4 tuổi, trẻ mới có thể ngồi ăn mà không cần người hỗ trợ, biết tự lấy cốc nước uống,…. Hầu hết các bé sẽ học được kỹ năng này khi đi nhà trẻ, nên bố mẹ không cần quá lo lắng hoặc ép buộc bé.
Trước khi dạy bé dùng thìa, mẹ và bé có thể dùng bát thìa nhựa để chơi. Giả vờ chơi trò ăn uống với bé nhà bạn. Chẳng hạn, vờ như bạn đang xúc thức ăn từ bát rồi đưa vào miệng cho bé. Sau đó, giúp bé bắt chước những hành động này. Đây là cách tuyệt vời để bé cầm chắc thìa mà không làm vấy bẩn đồ ăn.
2. Tự chăm sóc bản thân
Trẻ mầm non cần phải được chăm sóc, hỗ trợ rất nhiều từ người lớn. Tuy nhiên, bạn có thể không biết rằng, nếu cho cơ hội các bé hoàn toàn có thể tự làm được.
Sau khi ngủ dậy phải gấp chăn màn gọn gàng, tự rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa, phòng của bản thân và luôn có ý thức giúp đỡ cha mẹ các công việc nhà, cùng các thành viên trong gia đình sắp xếp nhà cửa gọn gàng, đồ đạc ngăn nắp. Hướng dẫn các em cách thức chăm sóc bản thân hàng ngày như chăm sóc răng miệng, tắm rửa sạch sẽ, quần áo sạch sẽ, chỉnh chu, gọn gàng. Dạy trẻ cách thức giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi, biết lựa chọn đồ ăn thức uống bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các bậc phụ huynh nên hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ bản thân trong các tình huống hàng ngày như cách thức tự sinh hoạt, học hành, đối diện với nắng mưa, khó khăn trong cuộc sống, tuyệt đối không cho trẻ sống ỷ lại, hoàn toàn phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác.
3. Nói thật
Trẻ em vốn không biết nói dối nhưng trẻ học được cách nói dối rất dễ dàng và nhanh chóng.
Do bé chưa đủ nhận thức để phân biệt sự thật và cái không phải sự thật. Vì thế, ở tuổi mẫu giáo, bé có xu hướng nói dối do những điều tưởng tượng hơn là nhìn nhận vào thực tế. Nói dối để tự bảo vệ bản thân, để người khác quý mến mình,…có vô số lý do để nói dối. Nhưng trẻ còn quá nhỏ để hiểu lời nói dối nào là xấu, lời nói nào không.
Nếu bạn biết con đang nói dối, cần chia sẻ với bé ngay lập tức: “Mẹ biết đó không phải sự thật. Có thể con nói dối vì sợ mẹ buồn nhưng đó không phải cách để giải quyết mọi chuyện. Con hãy nói thật cho mẹ nghe xem”.
Do vậy để tránh cho trẻ có được thói quen này, bạn nên khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc bản thân, thừa nhận lỗi của mình và khen ngợi khi trẻ đã thừa nhận bản thân nói dối hoặc làm sai, đồng thời là tấm gương để trẻ học hỏi theo.
4. Biết xin lỗi khi sai và biết tha thứ khi người khác làm sai
Thông thường khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ sẽ yêu cầu con nói xin lỗi. Đó là một phản xạ cửa miệng. Nhưng để trẻ không cần nhắc nhở mà vẫn biết nói lời xin lỗi, trẻ cần phải tự nhận thức được lỗi lầm mình đã gây ra. Dù lý do khiến trẻ tức giận là gì đi chăng nữa, hãy bắt đầu quá trình nhận lỗi bằng cách yêu cầu trẻ nói hoàn chỉnh một câu: “Con xin lỗi vì…”. Càng cụ thể càng tốt. Nếu câu trả lời của trẻ phù hợp với hành động tiêu cực của chúng, đó là một sự khởi đầu tốt. Nếu trẻ từ chối trả lời hoặc không hiểu tại sao bạn lại yêu cầu trẻ phải xin lỗi vì điều gì, bạn cần phải giải thích, hướng dẫn rõ ràng hơn một chút về hành động hay thái độ sai trái của trẻ.
Là con người, ai cũng mong muốn được tha thứ khi chúng ta làm tổn thương một ai đó. Muốn dạy trẻ biết vị tha, trước hết hãy luôn làm gương cho trẻ. Bố mẹ cần thể hiện thái độ rộng lượng trước những hành động hay thái độ tiêu cực mà trẻ cũng như những người xung quanh gây ra. Chỉ khi chứng kiến bố mẹ sống tốt, rộng lượng, trẻ mới học theo mộc cách dễ dàng.
5. Biết giúp đỡ và chia sẻ
Đây là một kỹ năng sống cần thiết cho bé, nếu một đứa trẻ không biết cách giúp đỡ và chia sẻ với người khác, khi lớn lên sẽ rất cô đơn, khó hòa nhập. Dạy kỹ năng này cho bé rất đơn giản, bạn chỉ cần là một tấm gương tốt, bởi vì trẻ em thường bắt chước theo bố mẹ.
Trẻ mầm non có thể giúp đỡ bố mẹ bằng nhiều cách, chẳng hạn như tự ăn, tự cho bát đĩa vào bồn rửa sau khi ăn, tự mặc quần áo, giúp thu dọn đồ,… Khi chơi với bạn bè hoặc anh chị em khác, nếu trẻ tranh giành đồ chơi thì hãy nhắc nhở và chia đều sao cho công bằng. Khi thấy người khó khăn hoặc yếu thế, hãy gợi ý trẻ giúp đỡ bằng nhiều cách.
6. Nói lên ý kiến của mình
Hãy khuyến khích trẻ lên tiếng vì bản thân, nói ra những gì mình nghĩ một cách mạnh dạn, với thái độ tôn trọng. Khả năng lên tiếng vì bản thân (hoặc vì người khác) để giao tiếp hiệu quả là một trong số những kỹ năng giá trị nhất mà bất cứ ai cũng có thể sở hữu trong thế giới hiện đại.
Muốn con trẻ nói lên được những suy nghĩ của bản thân, người lớn hãy để trẻ cảm thấy “thích” được tâm sự và phải thoải mái về tâm lý. Bố mẹ nên lắng nghe con với thái độ chăm chú và biểu thị đồng tình, có thể chỉ là những cái gật đầu, những lời nói đệm: “Thế à”, “Ừ, con nói tiếp đi”… bằng những cử chỉ rất nhỏ này sẽ giúp con cảm thấy tự tin hơn và tin tưởng là bố mẹ đang rất lắng nghe và quan tâm đến vấn đề của mình.
7. Bảo vệ môi trường
Bạn nên cho trẻ biết rằng con người chỉ có một hành tinh để sinh sống. Vì thế, chúng ta cần bảo vệ và chăm sóc nó. Điều đó có nghĩa là hãy chăm sóc cây cỏ, động vật, môi trường tự nhiên xung quanh ta.
Những giờ học gieo hạt, trồng cây là những giờ học được trẻ đón nhận hào hứng nhất. Các con có thể cùng cha mẹ trồng một chậu cây nhỏ rồi mang đến lớp để tự chăm sóc. Hoặc cùng cô và các bạn trồng cây xanh ở vườn của trường. Hoạt động này khiến trẻ hiểu được ý nghĩa thiết thực của việc trồng cây tạo ra môi trường xanh sạch đẹp và việc cần thiết bảo vệ cây cối xung quanh.
Trên đây là 07 kỹ năng sống cho trẻ cơ bản mà bố mẹ cần trang bị cho con mình. Hãy cho bé những hành trang tốt nhất để vào đời nhé!
Bình luận về bài viết