Nói ngọng là tật rất phổ biến ở trẻ mới tập nói, nhưng nếu để lâu dần, đây sẽ là thói quen không dễ dàng sửa đổi khi lớn lên nếu không kịp thời sửa chữa ngay từ bé. Thậm chí, tật nói ngọng sẽ gây cản trở công việc và cuộc sống sau này của trẻ. Hãy cùng Kiddi tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục nói ngọng cho bé nhé.
Xem thêm: Cách nhận biết và chữa tật nói ngọng cho trẻ như thế nào?
Vì sao trẻ nói ngọng?
Nói ngọng là rối loạn phát âm lời hay trẻ nói không rõ từ, thường xảy ra ở hầu hết trẻ, nhất là trong giai đoạn lúc bắt đầu tập nói. Theo thời gian tăng trưởng, các cấu trúc phát âm như hàm, môi, lưỡi, răng, lưỡi gà... phát triển thì lời nói của trẻ sẽ rõ hơn; các âm nói rõ hơn cũng tùy theo các giai đoạn phát triển của trẻ, ví dụ âm m, b trẻ phát âm đúng từ khi còn nhỏ, còn âm r, s, tr sẽ nói rõ khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, có một số trẻ sẽ không tự khỏi và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ trong quá trình giao tiếp, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
1. Nguyên nhân bẩm sinh
Do cấu tạo của đường phát âm bị dị dạng, lưỡi ngắn, đầy lưỡi, tổn thương miệng hay các bệnh lí bẩm sinh như bệnh sứt môi hở hàm ếch, mắc tật chẻ vòm dẫn đến tình trạng trẻ nói ngọng. Ngoài ra có thể do cấu tạo của thính giác khiến trẻ nghe kém, không nghe rõ, không nghe được vì vậy không đủ vốn từ để sử dụng hay sử dụng nhưng sử dụng sai lệch (do nghe sai) vì vậy mà bị ngọng.
2. Nguyên nhân khác
Khi còn nhỏ, cấu tạo của các bộ phận như lưỡi, lưỡi gà, hàm, môi, răng,... còn chưa được hoàn thiện. Vì vậy khi trẻ tập nói, hầu như sẽ bị nói ngọng, phát âm không rõ ràng, phát âm sai. Những biểu hiện này sẽ dần mất đi khi trẻ lớn lên bởi những cơ quan này đã được hoàn thiện hơn.
Ngậm núm vú giả thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nói ngọng. Nghe có vẻ vô lý, nhưng nhiều nhà khoa học đã chứng minh, khi cho trẻ ngậm núm vú giả nhiều, liên tục sẽ dẫn đến tình trạng lưỡi bị thè ra ngoài nên theo thói quen, khi phát âm lưỡi trẻ thường đưa ra ngoài khiến âm phát ra bị chệch đi.
Thói quen sử dụng ngôn ngữ của người lớn ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành ngôn từ của trẻ nhỏ. Trẻ lúc còn nhỏ như trang giấy trắng người lớn muốn viết muốn vẽ như nào thì trẻ học theo như vậy. Trẻ học nói, học theo ai? Chính là người trong gia đình. Ông, bà, bố mẹ, anh, chị, em, hàng xóm láng giềng,... bất cứ ai mà trẻ được tiếp xúc cùng đều là những người thầy dạy nói của trẻ. Nếu những người này phát âm không chuẩn, nói ngọng thì khi bắt chước theo chúng cũng bị sai theo. Điều này có thể thấy khá phổ biến, nhiều nơi bị ngọng theo vùng miền.
Cách khắc phục:
1. Làm gương chuẩn mực
Tất cả các thành viên trong gia đình phải phát âm chuẩn từ khi trẻ tập nói đến lúc hình thành bộ ngôn ngữ hoàn chỉnh. Tuyệt đối không nên nhại lại giọng nói ngọng hay tỏ ra thích thú khi trẻ nói ngọng. Khi nựng trẻ, bạn cần tránh nói ngọng những từ đơn giản như “tục tưng, cưng tóa”… Đây sẽ là bài học xấu cho trẻ bắt chước sau này
2. Cho con luyện cơ miệng thường xuyên
Bố mẹ nên tập hợp và phân loại lại những chữ cái, từ mà con đang phát âm sai để có phương hướng hướng dẫn con nói chuẩn hơn. Có thể cho con tập bài tập luyện cơ miệng vào buổi sáng như: Há miệng to và nói “A, O,…” làm khoảng 5 - 7 lần.
Ngoài ra, bạn nên kết hợp giữa bài tập với các trò chơi để trẻ hứng thú hơn và không bị chán, bạn có thể cho con bạn chơi đố vui hay tìm đồ vật rồi gọi tên đồ vật,... khi rèn nói ngọng cho con thì bạn nên nói chậm lại, không cáu gắt, không tức giận, nên tạo cho trẻ một môi trường thoải mái để trẻ tiếp thu thứ bạn muốn truyền đạt tới con, sửa lỗi nói ngọng nên vừa sửa và chơi sẽ hiệu quả cao hơn.
3. Giúp trẻ bỏ các thói quen xấu ảnh hưởng tới phát âm
Những thói quen xấu cũng là nguyên nhân dẫn đến nói ngọng như mút tay, ngoái mũi, cho tay vào miệng,… Vì thế, ba mẹ nên luôn chú ý nhắc nhở để trẻ có thể dần dần bỏ những thói quen này. Ví dụ nếu trẻ mút tay khi đang cùng cả nhà xem tivi thì bạn có thể cho trẻ chơi một trò chơi nào đó khiến trẻ quên đi việc mút tay hoặc bạn cũng có thể trực tiếp nhắc nhở trẻ để trẻ biết những hành động đó là không nên làm.
Xem thêm: Tật nói lắp ở trẻ và những điều ba mẹ cần biết để khắc phục
4. Để trẻ biết mình phát âm sai
Khi trẻ lớn một chút hay khi bạn không có đủ thời gian hay sự kiên trì để sửa lỗi ngọng cho trẻ thì bạn có thể trực tiếp cho trẻ biết trẻ đang phát âm sai để trẻ tự ý thức về việc mình đang nói ngọng và sẽ tự chú ý sửa sai cho mình. Trẻ nói ngọng sẽ không biết mình đang bị ngọng và ngọng như thế nào nên cách nhanh nhất là bạn cho con bạn biết bé đang nói ngọng, bạn có thể chọn cách ghi âm lại một đoạn trẻ nói ngọng để cho trẻ nghe, khi đó trẻ sẽ có được hình dung tốt nhất về tình trạng ngọng của mình.
5. Kể chuyện, đọc thơ cùng con
Thực tế nhiều người khi nói sẽ phát âm sai khi giao tiếp thường ngày nhưng khi hát, đọc truyện lại nói chuẩn, đúng. Trẻ em cũng giống như vậy. Do đó, ba mẹ có thể sửa ngọng cho trẻ bằng việc thường xuyên đọc truyện cho trẻ nghe, cũng có thể cho con đọc truyện hay cùng con hát những bài hát thiếu nhi mà trẻ yêu thích. Quá trình mà trẻ bắt chước kể theo những câu chuyện, hát theo những bài hát mà ba mẹ đã kể hay hát sẽ giúp trẻ dần dần phát âm chuẩn hơn.
Các bé thường rất thích nghe kể chuyện, hát tuy nhiên việc đó không đồng nghĩa với việc bé không chán, chính vì thế bạn nên chọn những câu chuyện ngắn gọn, vui vẻ để tạo hứng thú cho trẻ.
6. Không nhại, chê con khi con nói ngọng
Một sai lầm rất thường gặp ở người lớn là khi trẻ nói ngọng thì thường hay đùa với con bằng cách nhại lời con, chọc quê con thậm chí còn có người lớn chê con nói ngọng khiến trẻ cảm thấy xấu hổ. Điều này chỉ khiến trẻ khó chữa được tật nói ngọng hơn mà thôi vì trẻ sẽ lầm tưởng điều đó khiến cho bố mẹ vui nên sẽ cố nói ngọng nhiều hơn. Còn đối với trường hợp trẻ bị chê nhiều sẽ khiến trẻ dễ bị tổn thương và trở nên sống khép kín, mất tự tin.
Lưu ý với các bậc cha mẹ:
– Cha mẹ nên kiên trì trong việc dạy bé nói, không nôn nóng.
– Nếu nghi ngờ bé nói ngọng xuất phát từ yếu tố bệnh lý, cần đưa con đi khám ngay.
Ngọng là một bệnh có thể chữa được vì thế nên phải phát hiện sớm để hướng dẫn trẻ khắc phục kịp thời, tránh những thiệt thòi cho con trước khi đến trường.
Xem thêm: TẬT DÍNH THẮNG LƯỠI Ở TRẺ CÓ NGUY HIỂM KHÔNG VÀ CÁCH CHỮA TRỊ?
Bình luận về bài viết