Ngày Tết là dịp để trẻ em xúng xính áo quần mới đi chúc Tết ông bà, họ hàng. Ngoài việc dạy trẻ những câu chúc hay ý nghĩa thì các thầy cô cũng nên cho các bé nghe “Top 3 câu chuyện về ngày Tết cho trẻ mầm non”. Cùng Kiddivn theo dõi qua bài viết dưới đây nhé.
1. Truyện Sự tích bánh Chưng, bánh Dày
Bánh Chưng, bánh Dày là những món ăn truyền thống khá quen thuộc trong nét truyền thống Việt Nam. Vậy sự tích của 2 loại bánh này là gì? Cùng theo dõi nhé.
Về nội dung câu chuyện:
Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”.
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng. Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.
Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.”
Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dàỵ Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.
Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Dầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dầy Bánh Chưng.
Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18. Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dày để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.
Qua câu chuyện này, trẻ em có thể hiểu hơn về văn hóa của con người Việt Nam, về những điều tưởng chừng như đơn giản, bình dị, gần gũi với cuộc sống nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa.
2. Truyện Sự tích lì xì
Tết các bé đều mong muốn nhận được lì xì vào thời khắc năm mới thiêng liêng. Vậy sự tích lì xì này là gì?
Về nội dung câu chuyện:
Theo truyền thuyết, có một con yêu quái đáng sợ tên là “Sui.” Hàng năm vào đêm giao thừa, nó sẽ đến chạm vào đầu trẻ em đang ngủ ba lần. Sợ quá, em bé sẽ khóc lớn và sau đó sẽ bị đau đầu, bị sốt, và nói nhảm. Khi những triệu chứng này biến mất, đứa trẻ sẽ trở nên ngu đần.
Vì sợ yêu quái Sui hãm hại trẻ nhỏ, cha mẹ chúng thường không tắt đèn và thức qua đêm giao thừa để xua đuổi yêu quái. Đây là nguồn gốc tập tục thức qua đêm giao thừa.
Có một nhà họ Quan nọ sinh sống tại thành phố Gia Hưng, tuổi đã cao mới sinh hạ được một cậu con trai nên rất cưng chiều.
Vào một đêm giao thừa, sợ Sui đến hãm hại, họ cũng thức tỉnh cậu bé. Họ cho cậu ta 8 đồng xu để đùa nghịch. Cậu bé bọc những đồng xu này vào tờ giấy đỏ, mở ra, rồi lại bọc lại, lặp đi lặp lại như thế đến khi chú bé mệt quá và ngủ thiếp đi mất, 8 đồng xu khi ấy đang được bọc bởi giấy đỏ và đặt ngay bên cạnh gối cậu ta. Lúc ấy đôi vợ chồng ngồi ngay bên cạnh để trông chừng.
Vào nửa đêm, một cơn gió lạnh thổi tung cánh cửa và làm tắt đèn. Đúng lúc quỷ Sui vươn tay đến đầu cậu bé, từ bao giấy đỏ tỏa ra một luồng sáng bạc làm cho yêu quái khiếp sợ và bỏ trốn.
Vào Tết năm đó, đôi vợ chồng đã kể cho hàng xóm láng giềng về câu chuyện hôm giao thừa. Từ đó về sau, họ bắt đầu bắt chước làm theo và trẻ em không còn bị quấy nhiễu nữa.
Hóa ra 8 đồng xu kia chính là 8 vị Thần đã âm thầm bảo vệ cậu bé. Vì thế người ta gọi tiền lì xì là “Tiền may mắn trong Năm Mới.”
Qua câu chuyện về Sự tích lì xì, trẻ em sẽ hiểu được về lý do mà người lớn thường lì xì cho mình vào những ngày đầu năm mới, và biết được lý do tại sao những người trong gia đình sẽ thức để đón khoảnh khắc giao mùa (đêm 30 tết).
Phong tục “lì xì” ngày tết hiện nay vẫn còn được giữ gìn, đây là những đồng tiền mang theo sức khỏe, may mắn, thành công mà người tặng muốn dành cho người được tặng.
3. Truyện Sứ giả mùa Xuân
Về nội dung câu chuyện:
Xưa thật là xưa, có bốn nàng tiên làm nữ hoàng của các mùa: Xuân, Hạ, Thu và Đông.
Mỗi nàng có một cung điện lộng lẫy trên một ngọn núi cao. Chỉ khi đến mùa, các nàng mới xuất hiện. Năm ấy, không hiểu sao mùa Đông kéo dài lê thê. Cây cối và các con thú run rẩy vì lạnh. Ai cũng mong chờ, lo lắng không hiểu vì sao nàng tiên mùa Xuân trễ hẹn như vậy.
Vì thế, các con vật mở cuộc họp chọn người đi đón nàng tiên mùa Xuân và tìm hiểu nguyên do. Sư tử tự nhận mình khỏe mạnh, dũng cảm nhất nên giành quyền đi đón nàng tiên mùa Xuân. Nó hăm hở lên đường. Ngày đầu tiên, cậy sức khỏe tốt nên sư tử đi từ sáng đến tối. Càng về sau sư tử đuối sức dần, rồi không đi tiếp được bèn quay về.
Thấy sư tử bỏ cuộc, công điệu đà lên tiếng chế giễu. Nếu muốn nàng tiên mùa Xuân xuất hiện thì sứ giả phải là con vật xinh đẹp và lộng lẫy như họ nhà công. Các con vật đồng ý cử chim công đi thực hiện nhiệm vụ. Chim công lên đường cùng đoàn tùy tùng, mang theo nhiều quà và hoa đẹp… Thế nhưng, đường sá xa xôi, vất vả, cả đoàn dần mệt mỏi rồi bị ốm, hoa và quà tặng phải vứt lại trên đường. Cuối cùng, chim công đành quay về.
Đến lúc này, muông thú đã sốt ruột lắm rồi. Nếu còn chần chừ sẽ trễ mất mùa Xuân tuyệt vời. Ngay lúc ấy, chim én ngập ngừng:
Cháu tuy kém cỏi nhưng cũng xin góp sức để mang mùa Xuân về. Mùa Đông năm nay dài quá, mẹ cháu bị ho ngày một nặng. Nếu không có ánh nắng mùa Xuân, e rằng mẹ cháu không qua khỏi. Cháu sẽ đi tìm mùa xuân. Nghe vậy, muôn loài đồng ý.
Dù đang ốm nhưng hay tin con đi, chim mẹ lén con vặt những chiếc lông dày nhất của mình làm áo chống rét cho con. Chim én lên đường, nó bay mãi cuối cùng cũng đến cung điện của nàng tiên mùa Xuân. Trước cửa cung điện, chim én thấy một chú chim vàng óng bị ngất. Nghĩ chú chim bị lạnh, chim én cởi chiếc áo ấm choàng cho bạn. Chú chim bỗng biến mất và nàng tiên mùa Xuân xuất hiện:
Con là một cô bé hiếu thảo, nhân hậu và dũng cảm. Năm nay ta chậm đến nhân gian là vì các con vật không ngoan. Chúng không biết yêu thương và giúp đỡ nhau. Nhờ có con ta biết rằng điều tốt đẹp vẫn còn hiện hữu. Ta sẽ chọn con làm sứ giả cho ta.
Từ đó, mỗi khi thấy chim én bay liệng trên trời, muôn loài sẽ biết rằng nàng tiên mùa Xuân đang sắp về với nhân gian.
Câu chuyện trên đã giúp cho trẻ em hiểu thêm về mùa Xuân và biểu tượng chim én, thông qua đó, trẻ có thể hiểu hơn về lòng hiếu thảo, nhân hậu, dũng cảm, yêu thương cha mẹ và những người xung quanh.
Trên đây là những chia sẻ của Kiddivn về câu chuyện ngày Tết. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp nhà trường có những nguồn kiến thức để truyền đạt cho trẻ mầm non và giúp các con có hứng thú trong quá trình học tập tại trường.
Nguồn: Tổng hợp
Bình luận về bài viết