Nghỉ hè, nghỉ dịch dài, con chỉ làm bạn với máy tính, điện thoại, tivi,...? Ba mẹ muốn con được vận động nhưng dịch bệnh không cho phép ra ngoài? Vậy ba mẹ có thể tham khảo 5 trò chơi dân gian sau đây, vừa học vừa chơi cùng con tại nhà rất tốt để trẻ phát triển trí não.
Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non - Chim bay cò bay
Ba mẹ (nếu có thêm người chơi khác thì càng tốt) đứng quanh bé, tạo thành một vòng tròn. Bé sẽ là người điều khiến đứng ở giữa hô “chim bay”, đồng thời nhảy bật lên, giang hai cánh tay như chim đang bay. Cùng lúc đó, ba mẹ cùng mọi người chơi làm động tác và hô theo người điều khiển. Nếu người điều khiển hô những vật không bay được như “nhà bay” hay “bàn bay”, “ghế bay” mà người nào động tác bay lên hay những vật bay lên được mà không làm động tác bay thì sẽ bị phạt bằng cách lò cò một vòng bên ngoài vòng tròn.
Để biến tấu trò chơi thú vị hơn, có thể biến tấu thêm “cá lặn” hay “tàu lặn”, “vịt lặn” để xen kẽ với “chim bay, cò bay” nhưng làm động tác nhún chân xuống.
Ý nghĩa trò chơi: Trò chơi giúp gắn kết tình cảm giữa con và ba mẹ, nâng cao khả năng vận động, phản ứng nhanh cho trẻ.
Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non: Cáo và Thỏ
Bé sẽ đóng vai là một chú thỏ, mỗi thỏ có một hang của mình (chọn 1 đồ vật trong nhà làm hang). Thỏ phải nấp vào đúng hang của mình. Chú thỏ nào chậm chân thì sẽ bị cáo bắt hoặc chạy về nhầm hang của mình sẽ bị ra ngoài một lần chơi.
Bố hoặc mẹ sẽ làm cáo, ngồi rình thỏ ở góc nhà. Bé sẽ đứng trước hang của mình. Trước khi bắt đầu chơi, ba mẹ hãy yêu cầu bé làm thỏ phải nhớ đúng chuồng của mình. Vào trò chơi, thỏ nhảy đi kiếm ăn, vừa nhảy vừa giơ bàn tay lên đầu vẫy vẫy (giống tai thỏ) vừa đọc bài thơ:
Trên bãi cỏ
Chú thỏ con
Tìm rau ăn
Rất vui vẻ
Thỏ nhớ nhé
Có cáo gian
Đang rình đấy
Thỏ nhớ nhé
Chạy cho nhanh
Kẻo cáo gian
Tha đi mất.
Khi đọc hết bài thì cáo sẽ xuất hiện, cáo “gừm, gừm” đuổi bắt thỏ. Khi nghe tiếng cáo, các chú thỏ hãy chạy nhanh về chuồng của mình. Những chú thỏ nào bị cáo bắt đều phải ra ngoài một lần chơi. Sau đó, bé, mẹ và ba đổi vai chơi cho nhau. Cáo và thỏ cũng là một trò chơi dân gian thú vị ba mẹ có thể sắp xếp chơi cùng con tại nhà.
Ý nghĩa trò chơi: Trò chơi giúp bé rèn luyện phản xạ nhanh, khéo léo và phát triển ngôn ngữ.
Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non: Chi chi chành chành
Với những bé ở độ tuổi dưới 12 tháng thì trò chơi dân gian Chi chi chành chành là một gợi ý tuyệt vời, giúp bé phát triển trí tuệ. Vì đây là một trò chơi cực kỳ đơn giản và dễ thực hiện. Ba hoặc mẹ chỉ cần để con xòe bàn tay ra, sau đó mẹ chỉ ngón tay vào lòng bàn tay của con đồng thời đọc to bài thơ:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Dắt dế đi tìm
Ù à ù ập
Đóng sập cửa vào
Khi bài thơ đến chữ “sập” ba mẹ để tay con nắm vào và nhanh tay rút ngón ra. Ba hay mẹ mà rút không kịp là sẽ bị phạt. Mỗi khi đến đoạn này, đảm bảo con sẽ cười rất tươi vì thích thú. Ba mẹ và con cũng có thể đổi vị trí cho nhau, con là người bắt, ba mẹ là người rút tay.
Ý nghĩa trò chơi: Trò chơi rèn luyện cho rẻ phản xạ nhanh và khéo léo.
Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non: Kéo cưa lừa xẻ
Kéo cưa lừa xẻ cũng là một trò chơi dân gian cho trẻ mầm non rất thú vị ba mẹ có thể chơi cùng con tại nhà. Các bé từ 1 tuổi đã có thể chơi được rồi. Nếu không thể sắp xếp được một nhóm chơi đông thì chỉ cần 2 người là mẹ và bé hoặc ba và bé chơi với nhau.
Hai người sẽ ngồi đối diện với nhau, dang hai chân ra và đồng thời để hai tay nắm vào nhau. Mẹ (ba) và bé vừa ngồi hát vừa kéo tay đẩy qua đẩy lại tương tự như động tác xẻ gỗ của người thợ. Dưới đây là bài hát của trò chơi:
Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ
Trò chơi tương đối đơn giản và nhẹ nhàng, thường các bé dưới 2 tuổi sẽ rất thích thú.
Ý nghĩa trò chơi: Trò chơi hỗ trợ bé tập thể dụng hàng ngày là chính, cơ thể bé sẽ dẻo dai, khỏe khoắn hơn. Ngoài ra, trò chơi còn giúp trẻ rèn luyện thói quen nghe đọc, cảm nhận nhịp điệu bài hát.
Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non: Ô ăn quan
Trò chơi gồm có 2 người chơi. Kẻ một hình chữ nhật chia làm 10 ô vuông, mỗi cạnh dài của hình chữ nhật có 5 ô vuông nhỏ đối xứng nhau. Trong đó ở hai cạnh ngắn của hình chữ nhật vẽ thêm hai hình bán nguyệt lớn được gọi là nhà quan. Các ô vuông nhỏ được gọi là nhà dân và có 5 quân nhỏ được tượng trưng là những viên sỏi, viên đá nhỏ. Trong nhà quan ở hai đầu sẽ có hai viên đá to hơn. Nếu ở nhà không có sỏi đá, ba mẹ có thể thay bằng hạt lạc, hạt đậu, kẻ ô trên giấy hoặc tấm bìa lớn.
Ngoài ra, có bộ đồ chơi ô ăn quan sẵn, ba mẹ có thể đặt mua ở các cửa hàng đồ chơi.
Cách chơi: bé sẽ lấy quân ở nhà dân, sau đó lần lượt từng người chơi sẽ rải đều những quân ở nhà dân đi khắp các ô khác. Khi nào dừng lại mà có một ô trống ở phía trước thì sẽ được “ăn” số quân và có thể là cả “quan” nếu phía trước là ô của nhà quan. Nếu không phải tiếp tục rải tiếp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không được rải nhà quan, nếu ô tiếp theo là nhà quan thì dừng lại và đến lượt chơi của ba hoặc mẹ.
Sau khi rải hết số quan và quân trên các ô, ai có nhiều quân và quan hơn, người đó sẽ thắng. Trò chơi này rất phù hợp với những bé từ 5 tuổi trở lên. Ba mẹ có thể chơi cùng con tại nhà rất thú vị.
Ý nghĩa trò chơi: Với trò chơi ô ăn quan, trẻ có thể vận dụng khả năng tính toán, rèn luyện tư duy thông minh và nhanh nhạy. Trẻ sẽ dần làm quen với cách suy nghĩ nhanh, chính xác, quyết đoán để đánh bại đối phương nhanh nhất.
Như vậy, những trò chơi dân gian cho trẻ mầm non không chỉ có ý nghĩa giải trí mà còn có ý nghĩa giáo dục về thể chất, nhận thức và trí tuệ. Ba mẹ hãy thử chơi cùng con tại nhà những trò chơi này ngay nhé.
Bình luận về bài viết