Vừa học vừa chơi với các trò chơi trí tuệ là lựa chọn của nhiều ba mẹ với mong muốn con phát triển não bộ, có tri thức nhưng cũng không đánh mất tuổi thơ. Nhưng trò chơi trí tuệ cũng như nhiều trò chơi khác, ngoài chức năng giải trí, nó sẽ phát huy được chức năng giáo dục, định hình tính cách, khai phá trí thông minh khi trẻ chơi đúng cách. Ba mẹ hãy lưu ý để bé chơi trò chơi trí tuệ đúng cách giúp trẻ thông minh hơn nhé.
1. Trẻ sử dụng trí óc để phán đoán
Khi tham gia vào các trò chơi, trẻ càng sử dụng trí não để phân tích, phán đoán, suy luận thì bộ não của trẻ càng được kích thích, hoạt động hết công suất và tạo ra cảm giác thích thú cho trẻ. Vì vậy, ba mẹ nên tạo cho con không gian chơi trò chơi trí tuệ đúng cách, cho con nhiều cơ hội sử dụng trí óc.
Ví dụ, chơi ghép tranh là một cách thú vị để bộ não của bé luôn bận rộn. Bé sẽ có khoảng thời gian tuyệt vời với trò chơi ghép những bức tranh về nhân vật hoạt hình, nhân vật cổ tích hay đồ vật mà chúng yêu thích. Hay trò xếp hình khối cũng là một ý tưởng tuyệt vời giúp bé vận dụng trí não. Chơi với các hình khối giúp trẻ nhận thức rõ hơn về những thứ như thăng bằng, trọng lượng, không gian và trọng lực. Nó cũng giúp rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề khi bé cố gắng xây dựng cái gì đó hay khi lắp ráp một khối này mà nó không ăn khớp với khối khác. Đây cũng là thời gian tuyệt vời để trẻ rèn luyện khả năng sáng tạo.
2. Trẻ sử dụng đôi tay
Trong các trò chơi, trẻ sử dụng nhiều đến đôi tay thì trẻ càng suy nghĩ tốt vì trẻ bắt não bộ làm việc nhiều hơn để điều khiển đôi tay ấy. Ba mẹ nên cho bé tham gia chơi trò chơi trí tuệ đúng cách có hoạt động như cắt, xé, vẽ, kéo để bé tích cực dùng đến đôi tay.
Ví dụ, ba mẹ cùng con làm nhà bằng thùng giấy: Lấy 1 thùng giấy carton to, vẽ các đường tròn hoặc ô vuông làm cửa chui ra vào và cửa sổ. Bé có phụ ba mẹ cắt các đường này hoặc các hình trang trí để dán vào ngôi nhà.
Hoặc cùng bé làm bánh đồ chơi bằng đất sét: Mua những cái khuôn và một ít đất sét để bé nặn, cắt, làm bánh từ khuôn. Nếu mẹ muốn cùng bé làm bánh thật thì có thể cho bé tham gia nhào bột và nặn bánh theo hình thù bé thích. Sau đó có thể cho bánh lên chiếc xe đồ chơi và việc của bé là kéo, vận chuyện chúng đi qua những con đường (vẽ 2 đường thẳng song song trên bề mặt làm cung đường hẹp hoặc tạo những con đường gồ ghề, có chướng ngại vật).
Với những trò chơi này, trẻ vừa vận động rèn luyện sự dẻo dai của đôi tay vừa rèn luyện trí não.
3. Trẻ vận dụng mọi giác quan
Nếu người lớn làm việc mỗi ngày để vận động trí não thì trẻ cũng có hoạt động vui chơi để não bộ phát triển.
Khi tham gia trò chơi, nếu trẻ vận động đa giác quan thì tức là não bộ của trẻ cũng đang hoạt động một cách tối đa. Khi đó, các tế bào não bộ kết nối với nhau sẽ làm tăng khả năng học tập và óc sáng tạo, củng cố sự phát triển trí thông minh ngôn ngữ, hỗ trợ tư duy, kỹ năng vận động thô/ vận động tinh, khả năng giải quyết vấn đề, tương tác xã hội. Vì vậy, trẻ nên chơi trò chơi trí tuệ đúng cách là khi có thể vận dụng phát triển đa giác quan.
Ví dụ, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể chơi những chiếc xúc xắc. Xúc xắc không chỉ có màu sắc sinh động dùng để cầm, nắm mà còn phát ra những âm thanh vui tai. Ngoài rèn luyện thị giác, thính giác, xúc giác, trẻ còn được tăng cường hoạt động nhờ việc bò theo hoặc chạy theo để lấy xúc xắc.
4. Không chơi quá nhiều trò chơi trong thời gian ngắn
Trong thời gian ngắn không nên cho trẻ thay đổi quá nhiều trò chơi mà các trò chơi không có sự liên kết với nhau. Bởi vì khi đó, não bộ của trẻ chưa kịp vận động hết công suất, tiếp nhận thông tin từ trò chơi trước thì đã phải chuyển sang hoạt động mới. Điều này cũng ngăn cản con phát triển tối đa tính sáng tạo và trí tưởng tượng của mình. Bộ não của bé cần có thời gian để “ngấm” những tri thức mà trò chơi đó mang lại.
Trẻ tiếp xúc với nhiều trò chơi cùng lúc thì khoảng thời gian tập trung chú ý của trẻ đối với một món đồ chắc chắn sẽ bị ngắn lại vì trẻ bị thu hút bởi vô số những lựa chọn khác ở xung quanh. Trẻ sẽ mất đi tính tập trung chú ý, cái rất quan trọng cho sự phát triển tư duy của con sau này.
5.Dành thời gian phù hợp cho các trò chơi
Không ít ba mẹ muốn cho con chơi trò chơi trí tuệ càng nhiều càng tốt với mong muốn con phát triển não bộ nhiều nhất có thể. Thực tế không nên như vậy. Bộ não của con người được cũng giống như bộ nhớ của chiếc máy tính. Khi dữ liệu quá tải, bộ nhớ của máy tính sẽ không thể lưu trữ thêm bất cứ thông tin gì. Sử dụng trong thời gian dài, liên tục máy cũng có thể gặp trục trặc, hỏng hóc.
Tương tự, bộ não của trẻ nếu phải làm việc suốt thời gian dài cũng sẽ trở nên mệt mỏi, căng thẳng. Bị kích thích quá nhiều có thể khiến bộ não của trẻ không kịp xử lý các luồng thông tin khác nhau. Các giác quan như mắt của bé cũng mỏi do tập trung nhìn quá lâu vào đồ chơi, các cơ, xương của bé còn yếu nếu vận động nhiều cũng không tốt. Bé cần vui chơi và nghỉ ngơi hợp lý thì sức khỏe mới được đảm bảo.
Trẻ sẽ trở nên thông minh hơn khi chơi trò chơi trí tuệ đúng cách. Ba mẹ hãy lưu ý khi chơi cùng con để con phát triển toàn diện và khỏe mạnh nhé.
Cùng tham gia cộng đồng chia sẻ, review, hỗ trợ tìm trường mầm non tốt cho con ở HÀ NỘI và TP.HCM để tham khảo nhiều thông tin hữu ích nhé!
Bình luận về bài viết