Không chỉ từ bữa ăn đến giấc ngủ mà nhiều ba mẹ còn đầu tư, chăm chút đến từng món đồ chơi của con. Ba mẹ thường chọn những món đồ chơi trí tuệ bởi nó vừa giúp trẻ vui chơi, giải trí, vừa mang lại lợi ích lâu dài về mặt trí não. Tuy nhiên, cũng không ít ba mẹ mắc sai lầm khi chọn đồ chơi trí tuệ cho con. Hãy cùng điểm qua và lưu ý khi chọn đồ chơi trí tuệ cho con ba mẹ nhé.
Xem thêm: Trẻ thông minh hơn khi chơi trò chơi trí tuệ đúng cách
1. Chọn đồ chơi đúng độ tuổi
Đồ chơi trí tuệ phải phù hợp độ tuổi của trẻ mới phát huy hết công dụng
Nhiều ba mẹ khi chọn đồ chơi trí tuệ cho con nghĩ rằng là đồ chơi thì bé não cũng sẽ chơi được, hay với suy nghĩ “Hôm nay con chưa chơi được thì cứ để con làm quen tới khi chơi được, như vậy vừa tiết kiệm, con vừa chơi được lâu”. Thực tế, đây là suy nghĩ sai lầm. Chọn đồ chơi trí tuệ cũng giống như chuẩn bị bữa ăn cho trẻ: Trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa thể ăn được cháo, trẻ trên 24 tháng tuổi mới nên ăn cơm mềm,... Ở từng giai đoạn, trẻ phát triển các giác quan khác nhau nên dù đồ ăn hay đồ chơi cũng phải phù hợp để kích thích đúng vào điểm trẻ đang cần phát triển và phù hợp khả năng tiếp nhận của trẻ.
Ứng với từng giai đoạn 3 tháng một trẻ sẽ có sự phát triển khác nhau và cha mẹ nên nắm rõ giai đoạn ấy trẻ đang phát triển về cái gì để tìm đồ chơi cho phù hợp.
Ví dụ, giai đoạn dưới 1 tuổi, trẻ nuôi dưỡng ngũ quan: nghe, nhìn, sờ, ngửi, nếm. Trò chơi tốt nhất với trẻ chính là những gì gần gũi nhất như giọng nói của mẹ, nụ cười của mẹ, đôi khi là cả động tác nhảy múa để pha trò, chơi ú òa, cần cẩu, nhấc bổng, làm máy bay, làm ngựa phi.
Ở giai đoạn 6 tháng đầu tiên, thính giác và thị giác của trẻ rất phát triển nên ngoài giọng nói của mẹ hãy cho trẻ chơi những đồ chơi phát ra âm thanh như là quả cầu hay con thú nhồi bông có nhiều màu sắc mà khi lắc nó sẽ phát ra tiếng kêu. Khi lớn hơn một chút trẻ rất thích nhìn những đồ vật chuyển động nên hãy cho bé nhìn quả bóng vừa lăn vừa phát ra tiếng kêu, những chiếc xe oto hay con vật chạy bằng cót, pin.
Hoặc là khi trẻ đã biết ngồi hoặc biết đi, ba mẹ cho trẻ chơi xe kéo có buộc dây để trẻ có thế kéo, hoặc xô đổ con gấu. Thông qua trò chơi như vậy trẻ sẽ nhận thức được quá trình mình cầm rồi mình kéo và đồ vật chuyển động. Khi trẻ đã có nhận thức về hình dạng, màu sắc, con số, con chữ thì bé có thể chơi xếp hình, vẽ tranh, nặn đất sét, cờ vua,...
Vì vậy, lưu ý khi chọn đồ chơi trí tuệ cho con ba mẹ không thể bỏ qua đầu tiên là chọn đồ chơi phù hợp với độ tuổi của con.
2. Hiểu cách chơi của đồ chơi
Ba mẹ phải hiểu cách mới có thể tham gia cùng con vào trò chơi
Một trong những công dụng của đồ chơi trí tuệ là nó trở thành công cụ gắn kết ba mẹ và con cái thông qua vui chơi, trò chuyện. Ba mẹ phải là người hướng dẫn cho bé chơi trò chơi đó, bởi bé chưa thể hiểu được ý nghĩa, cách chơi của trò chơi. Vì vậy, lưu ý khi chọn đồ chơi trí tuệ cho con là ba mẹ cần tìm hiểu mục đích của nó để có thể tham gia cùng con trong những cuộc chơi.
Nhiều ba mẹ qua loa chọn một món đồ chơi vì trông nó thú vị mà quên quan tâm tới cách chơi. Nếu trò chơi quá phức tạp thì trẻ sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ mà ngay cả ba mẹ cũng có thể không biết hướng dẫn con chơi thế nào. Không nhất thiết ba mẹ phải chọn những đồ chơi vui nhộn, ồn ào, phức tạp, nó cũng có thể đơn giản, yên lặng giúp trẻ tập trung khi chơi.
Nếu quá khó để chọn những món đồ chơi ngoài cửa hàng, ba mẹ có thể tự làm bằng những dụng cụ đơn giản trong nhà, ba mẹ sẽ là người hiểu rõ luật chơi. Đôi khi, ba mẹ quan sát cách chơi của con để từ đó sáng tạo những ý tưởng mới phù hợp cách chơi đó. Nói chung, quan trọng là trò chơi đó khiến cả ba mẹ và con cái đều cảm thấy vui vẻ, đem lại những nụ cười sảng khoái.
3. Chất liệu đồ chơi phải an toàn, quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ
Trẻ nhỏ hay ngậm đồ vật nên ba mẹ cần chọn đồ chơi có chất liệu an toàn
Trẻ dưới 2 tuổi có thói quen ngậm, cắn đồ vật. Vì vậy, nếu chất liệu đồ chơi không an toàn, ví dụ như đồ chơi làm từ các loại nhựa tổng hợp, độc hại, đồ chơi bằng gỗ có sử dụng chất tẩy trắng,... sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Khi chọn đồ chơi. một số ba mẹ ít để ý tới chất liệu của nó có an toàn cho trẻ hay không.
Ngoài ra, bỏ qua nguồn gốc, xuất xứ của món đồ cũng là sai lầm của khá nhiều phụ huynh. Hiện trên thị trường có rất nhiều mặt hàng đồ chơi không rõ nguồn gốc được bán tràn lan. Nhiều sản phẩm nhái từ các thương hiệu đồ chơi trí tuệ có tiếng với màu sắc bắt mắt, già thành rẻ hơn nhiều khiến các phụ huynh mất cảnh giác. Những món đồ này có thể gây nguy hiểm và ảnh hưởng sức khỏe trẻ do chế tạo từ nguyên liệu, chất không an toàn hay trên đồ chơi có nhiều vật nhọn, chi tiết nhỏ gây nguy hiểm cho bé, không được qua kiểm định.
Lưu ý khi chọn đồ chơi trí tuệ cho con là ba mẹ không nên ham đồ rẻ, đồ lạ mà bỏ qua yếu tố nguồn gốc, xuất xứ, chất liệu, nên chọn mua ở những cửa hàng đồ chơi uy tín, có thương hiệu.
4. Không chuẩn bị quá nhiều đồ chơi trí tuệ
Quá nhiều đồ chơi xung quanh làm giảm sự tập trung của trẻ
Rất nhiều ba mẹ đầu tư đồ chơi cho con với mong muốn con phát triển trí tuệ. Nào là xếp hình, đất sét để nặn, ghép tranh, xếp hình khối, cờ vua,... đến các loại flashcard, giáo cụ học tại nhà theo các phương pháp giáo dục nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, ngoài việc kích thích ham muốn khám phá thế giới và nuôi dưỡng trí tuệ của trẻ thì mặt trái của nó là trẻ rất nhanh chán và khó tập trung lâu vào một trò chơi. Thậm chí ba mẹ cũng không biết nên sắp xếp cho con chơi như thế nào cho hiệu quả.
Thay vì chuẩn bị quá nhiều đồ chơi trí tuệ khiến bé mất tập trung khi chơi thì ba mẹ chỉ cần vài ba món đồ chơi trẻ thật sự yêu thích và tập trung cao độ với nó. Việc này sẽ hiệu quả hơn là trẻ tiếp xúc nhiều trò chơi một lúc nhưng không đọng lại gì.
Để trẻ thoải mái vui chơi và phát triển trí não qua đồ chơi trí tuệ thì không gì quan trọng bằng nó phù hợp với trẻ, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho trẻ khi chơi. Vì vậy, lưu ý khi chọn đồ chơi trí tuệ cho con, ba mẹ hãy quan tâm tới những điều trên nhé, tránh mắc sai lầm. Chúc ba mẹ chọn được món đồ chơi ưng ý cho bé.
Xem thêm: 9+ trò chơi trí tuệ giúp trẻ phát triển não bộ
Cùng tham gia cộng đồng chia sẻ, review, hỗ trợ tìm trường mầm non tốt cho con ở HÀ NỘI và TP.HCM để tham khảo nhiều thông tin hữu ích nhé!
Bình luận về bài viết