Những vấn đề liên quan đến răng miệng của trẻ nhỏ không chỉ có những căn bệnh quen thuộc như sâu răng, sún răng,... Lợi của bé cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và bệnh lý, phổ biến nhất là viêm lợi (hay viêm nướu).
Viêm lợi ở trẻ là bệnh phổ biến trong các vấn đề về răng miệng. Trẻ bị viêm lợi do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiểu rõ hơn về bệnh viêm lợi sẽ giúp cha mẹ chăm sóc và có những phương pháp điều trị phù hợp cho bé.
I. Viêm lợi và các dấu hiệu con bị viêm lợi
Viêm lợi là tình trạng các mô bao quanh có tác dụng, nâng đỡ và hỗ trợ răng bị nhiễm trùng. Đây là bệnh khá phổ biến trong các bệnh về răng miệng, đặc biệt thường xảy ra nhiều ở trẻ em. Nếu không chăm sóc cẩn thận, tình trạng này sẽ khiến nướu răng bị tổn thương trầm trọng, xuất hiện mủ quanh cổ răng dẫn đến tình trạng tiêu xương hàm, làm tổn thương toàn bộ các tổ chức xung quanh răng.
Không những vậy, tình trạng này còn có thể làm nướu bị tụt, xương ổ răng bị tiêu làm răng lung lay, cuối cùng dẫn đến tình trạng rụng răng. Vì vậy, nếu thấy trẻ có các triệu chứng bị viêm lợi sau, cha mẹ nên đưa trẻ đến nha sĩ để kiểm tra ngay:
- Lợi sưng phồng và rất dễ chảy máu khi đánh răng hoặc khi dùng chỉ nha khoa
- Răng lung lay
- Hơi thở hôi
- Lợi có màu sắc bất thường
- Xuất hiện các mảng hoặc đốm trắng trên nướu
- Lợi bị tụt xuống khiến chân răng lộ ra ngoài
- Lở loét bên trong má, nướu răng.
II. Nguyên nhân viêm lợi ở trẻ
Theo các nha sĩ, bệnh viêm lợi xuất hiện là hệ quả của nhiều yếu tố khác nhau trong đó bao gồm:
1. Vệ sinh răng miệng không đúng cách
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh viêm lợi là do vi khuẩn tồn tại trong khoang miệng gây ra. Những vi khuẩn này phát sinh do không được làm sạch thức ăn thừa, tích tụ lại tạo thành những mảng bám cao răng. Từ đó vi khuẩn sẽ tấn công răng lợi và gây viêm nhiễm, dẫn đến các bệnh lý về răng miệng trong đó có viêm lợi.
2. Chế độ ăn uống chưa hợp lý
Bố mẹ thường xuyên cho trẻ ăn những thực phẩm chứa nhiều đường hoặc đồ ăn quá nóng hay quá lạnh cũng là nguyên nhân khiến lợi bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nên bệnh viêm lợi.
3. Chấn thương răng
Trong quá trình vận động vui chơi, bé có thể bị tai nạn ngã đập mặt xuống, khiến răng và lợi bị tổn thương, đây cũng chính là một nguyên nhân gây nên bệnh viêm lợi ở trẻ.
4. Mọc răng
Không có một lịch trình cụ thể nào về việc bé sẽ mọc chiếc răng đầu tiên. Phần lớn trẻ sẽ mọc răng vào khoảng 6 tháng, nhưng việc này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, từ khi bé còn ở trong bụng mẹ cho đến sau 1 tuổi. Mọc răng có thể diễn ra trong vòng 1 năm hoặc lâu hơn. Thường thì bé sẽ có đầy đủ răng sữa khi được 2 tuổi rưỡi. Những chiếc răng này nằm ở dưới lợi nên khi mọc chúng phải đẩy lên trên và có thể làm lợi tách ra. Khi lợi quá dày, trùm lên răng sẽ làm răng khó mọc hơn và dễ bị sưng.
Ngoài ra, trẻ mắc các bệnh như viêm phổi, rối loạn tiêu hóa… cũng tạo điều kiện cho các vi khuẩn trong miệng tấn công gây viêm lợi ở trẻ.
III. Làm gì khi con bị viêm lợi?
Khi trẻ có những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm lợi, cha mẹ không nên chủ quan và tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà cho trẻ, chỉ nên điều trị khi có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là các phương pháp điều trị viêm lợi ở trẻ:
1. Giúp trẻ loại bỏ mảng bám và cao răng
Bạn có thể đưa ra đến bệnh viện hoặc các phòng khám Nha khoa để trẻ được lấy khám và lấy cao răng. Sau khi làm sạch, nha sĩ sẽ hướng dẫn trẻ cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa để vệ sinh răng hàng ngày và tránh các mảng bám ở chân răng.
2. Điều trị bằng thuốc kháng sinh
Nếu những triệu chứng của viêm lợi trở nên nặng, trẻ sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Ngoài ra, trẻ cũng được chỉ định sử dụng thêm nước súc miệng hoặc nước muối loãng để vệ sinh răng hàng ngày.
Nếu các triệu chứng viêm lợi ở trẻ trở nên nặng, trẻ nên được điều trị bằng bằng thuốc kháng sinh, tuy nhiên phải theo sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể sử dụng thuốc súc miệng hoặc nước muối loãng để vệ sinh răng miệng hằng ngày.
3. Điều trị viêm lợi bằng phương pháp phẫu thuật
Nếu tình trạng bệnh trở nên nặng nề và chuyển sang viêm nha chu, bác sĩ sẽ có thể chỉ định phẫu thuật để làm sạch cao răng hình thành sâu bên trong túi nha chu. Lúc này bác sĩ sẽ tiến hành bóc tách phần lợi để loại bỏ cao răng.
4. Điều trị viêm lợi ở trẻ bằng phương pháp ghép nướu
Mô nướu bị tổn thương nghiêm trọng và không thể điều trị dứt điểm, bác sĩ sẽ thực hiện ghép nướu bằng cách: lấy một mô nướu khỏe mạnh từ phần khác và đắp vào phần mô nướu bị hỏng. Phương pháp này sẽ giúp trẻ có nụ cười đẹp, tránh cảm giác ê buốt khi ăn và ngăn ngừa được các biến chứng nguy hiểm như phá hủy mô nướu, phá hủy xương…
V. Cách phòng ngừa bệnh viêm lợi
Dưới đây là một số biện pháp đơn giản có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị viêm lợi:
- Đánh răng kỹ hai lần mỗi ngày (sau khi ăn và trước khi đi ngủ), mỗi lần ít nhất ba phút.
- Cho trẻ dùng chỉ nha khoa thay vì tăm xỉa răng.
- Cho trẻ sử dụng kem đánh răng có chứa fluor và các chất tốt cho răng, lợi.
- Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm có thể chải sạch cả những kẽ răng, những răng trong cùng mà không tổn thương đến lợi. Thay bàn chải đánh răng sau ba đến bốn tháng.
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ. Hạn chế ăn các món ăn vặt, món ăn chứa nhiều đường vì những món ăn này có lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây mảng bám.
- Đưa trẻ đi để kiểm tra răng miệng thường xuyên, ít nhất hai lần mỗi năm.
Cha mẹ hãy đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc răng miệng của trẻ cũng như nắm rõ được các phương pháp phòng tránh và điều trị bệnh một cách hiệu quả.
Bình luận về bài viết