Trong những ngày Tết đến xuân về, trẻ thường có xu hướng ngủ dạy trễ, ăn quà vặt nhiều và lười vận động hơn bình thường. Chính vì vậy, các con dần trở nên chậm chạp, mệt mỏi, thậm chí tăng cân không kiểm soát và kết quả là chưa bắt kịp được nhịp độ khi quay lại trường học sau một kỳ nghỉ dài. Đây cũng là điều dễ hiểu vì mọi người hay quan niệm Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày học tập vất vả.
Tuy nhiên chỉ với một vài hoạt động rất gần gũi, đời thường và dễ thực hiện trong những ngày Tết dưới đây, trẻ sẽ trở nên năng động, lại vừa tăng thêm hiểu biết về các phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Ba mẹ cùng tham khảo nhé!
1. GIÚP BA MẸ DỌN NHÀ ĐÓN TẾT
Việc dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa cho gọn gàng, sạch sẽ để đón Tết từ lâu đã là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống người Việt ta. Không chỉ giúp ngôi nhà trở nên tươm tất, đẹp đẽ hơn trong mắt những vị khách tới chơi mà việc dọn dẹp còn có ý nghĩa xóa bỏ những âu lo, phiền não của năm cũ để Thần Tài gõ cửa mang đến may mắn và tài lộc cho gia đình trong năm mới.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ - tùy theo sức của mình
Ba mẹ hoàn toàn có thể giao cho bé những công việc như: gấp quần áo; dọn gọn lại đồ chơi; trang trí cành đào, cành mai; quét nhà… theo tiêu chí “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình”. Để con không cảm thấy bị ép buộc mà lại hào hứng muốn tham gia, ba mẹ nên giải thích cho con hiểu việc dọn dẹp sẽ mang đến những may mắn gì cho bé và gia đình, đồng thời có những phần thưởng, lời khen nho nhỏ như một sự khích lệ, động viên khi con hoàn thành xong công việc: “Cảm ơn con đã giúp đỡ rất nhiều cho ba mẹ”, “Con mẹ đúng là chuyên gia dọn dẹp đấy”, “Con của ba là giỏi nhất!”…
Đừng ra lệnh cho con mà ba mẹ hãy giải thích để bé tự nguyện dọn dẹp cùng mình
Trong lúc bé làm việc nhà ba mẹ cũng có thể bật những bản nhạc thiếu nhi sôi động, dễ thương để con thấy hào hứng hơn, vừa dọn đồ chơi vừa nhún nhảy theo điệu nhạc. Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể đặt ra tiêu chí cho trẻ trong một khoảng thời gian nhất định (dùng đồng hồ báo thức hoặc đồng hồ cát), ví dụ gấp xong váy của con trong vòng 10 phút, hay cho đồ chơi vào giỏ trong 15 phút… như thế bé sẽ biết mình cần làm trong bao lâu, tránh việc mải xem TV mà không tập trung rồi quên luôn công việc được giao.
2. THAM GIA CÁC TRÒ CHƠI DÂN GIAN
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cuộc sống trẻ nhỏ trở nên đầy sắc màu kỷ niệm tuổi thơ hơn nhờ vào các trò chơi. Trò chơi dân gian dành cho trẻ chứa đựng cả một nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc dân tộc Việt Nam. Ngày nay, việc cho trẻ tham gia vào các trò chơi dân gian trong ngày Tết còn giúp các em phát triển khả năng tư duy, trí tưởng tượng phong phú, rèn luyện thể chất dẻo dai và giáo dục trẻ về tình bạn, tinh thần làm việc nhóm và tình yêu với quê hương, đất nước.
Rồng rắn lên mây - Có cây núc nắc - Có nhà khiển binh - Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không.
Ngày Tết các bé sẽ có cơ hội được gặp nhiều anh em họ hàng, lúc này ba mẹ có thể đứng ra giúp các con tổ chức các trò chơi: Nhảy lò cò, Bịt mắt bắt dê, Rồng rắn lên mây, Nhảy bao bố…
Những trò chơi này giúp trẻ học được phản xạ và kiểm soát sự di chuyển của đôi chân, đôi tay và cả cơ thể, nâng cao khả năng vận động, sự linh hoạt và kỹ năng thăng bằng. Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian có một đặc điểm rất quan trọng là đều diễn ra ngoài trời, đây là cơ hội lý tưởng giúp các em được hòa mình với thiên nhiên, tăng cường sức đề kháng, hình thành tình yêu và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường.
Trẻ được rèn luyện sự dẻo dai, nâng cao khả năng vận động, sự linh hoạt và kỹ năng thăng bằng.
Trong lúc vui chơi và phát triển thể chất, ba mẹ cũng cần quan tâm đến vấn đề an toàn cho bé. Luôn luôn ở bên theo dõi và giúp đỡ khi bé cần, sắp xếp cho các con chơi trong sân/vườn/khu vực không có xe cộ đi lại, không có hố sâu hoặc nhiều sỏi đá để tránh các con bị xây xước nếu chẳng may bị ngã – là những yếu tố tiên quyết để trẻ có thể an toàn khi vừa chơi vừa học, phát triển trí tuệ và thể chất.
3. BÉ ĐƯỢC ĐI CHỢ HOA TẾT
“Bé đi thăm chợ hoa.
Thấy hoa sao nhiều thế,.
Cành đào khoe nụ bé già nhất là gốc mai vàng.
Tết đến rồi bé vui ghê đi chợ hoa bé thấy mà mê…”
Đây là những câu hát trong ca khúc Bé Đi Chợ Hoa của ca sĩ nhí Phương Uyên – một bài hát thiếu nhi nổi tiếng nói về niềm hân hoan của trẻ nhỏ khi lần đầu được ba mẹ cho đi tham quan và mua cây cảnh mừng ngày Tết Nguyên Đán.
Tết này con được ba mẹ cho đi chợ Hoa
Dù là những em bé của thời bao cấp, hay trẻ nhỏ của thời hiện đại thì ai cũng rất thích khi được ba mẹ cho đi Hội Hoa Xuân, được nhìn ngắm những loài hoa thược dược, lay ơn, cành hoa ly tươi roi rói đua nhau khoe sắc và sắc màu rực rỡ của hoa mai, hoa đào, chậu quất trĩu quả… và được nghe ba mẹ giải thích ý nghĩa sâu xa đằng sau mỗi loài hoa, đằng sau mỗi cái tên đẹp mà người xưa đặt cho hoa.
Say đắm sắc hoa rực rỡ của mùa Xuân Việt Nam.
Việc cho trẻ đi tới các chợ Hoa ngày Tết không chỉ mang lại niềm vui, sự háo hức cho con mà nó còn giúp các em mở mang kiến thức về tự nhiên, hình thành tình yêu với cái đẹp cuộc sống và tất nhiên là giúp trẻ vận động cơ thể trong những ngày nghỉ lễ. Việc đi bộ nhàm chán giờ đã được lồng ghép vào hoạt động đi du xuân thật thú vị và hấp dẫn, đã thế bé lại còn được mặc quần áo xinh, có ảnh đẹp mang về khoe ông bà nữa chứ!
Bình luận về bài viết