ĐỂ BÉ YÊU KHÔNG CÒN SO BÌ, VÒI VĨNH KHI NHẬN TIỀN LÌ XÌ

Từ rất lâu rồi, tiền lì xì đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Sáng mồng một Tết hay còn gọi là ngày Chính đán, trẻ sẽ được xúm xính váy áo xinh đẹp và được ba mẹ dắt đi chúc Tết nhà ông bà, cô dì chú bác. Có lẽ, điều mà mọi trẻ em háo hức, mong đợi nhất là khi được người lớn tặng cho những phong bao lì xì đỏ thắm có hình thù đáng yêu, bên trong còn chứa những đồng tiền xanh đỏ đẹp mắt nữa.

Nguồn gốc của tiền lì xì

Tương truyền rằng, xa xưa ở Đông Hải có rất nhiều yêu quái thường xuyên gây hại bá tánh, song ngày thường chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hàng năm các vị thần đều phải về trời vào thời điểm giao thừa. Lúc này, yêu quái lộng hành quấy rối trẻ em đang ngủ, khiến trẻ sợ hãi và sinh đau ốm. Một lần có 8 vị tiên đi ngang nhà kia thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên cạnh mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền ra khắp nhân gian, nên khi Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ hay ăn chóng lớn, gặp nhiều may mắn.

ĐỂ BÉ YÊU KHÔNG CÒN SO BÌ, VÒI VĨNH KHI NHẬN TIỀN LÌ XÌ

Tục lì xì ngày Tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt trong những ngày đầu năm

“Ruột” lì xì và câu chuyện về thói tị nạnh của trẻ nhỏ

Khi xã hội ngày càng hiện đại, giá trị đồng tiền càng được coi trọng thì văn hóa lì xì lại mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của nó. Có không ít những tình huống dở khóc dở cười về cách hành xử của trẻ nhỏ khi được nhận bao lì xì mà có lẽ những bậc làm cha mẹ, thật sự phải suy ngẫm lại bởi đây chính là hệ quả của việc con chưa được chỉ bảo kĩ càng.

ĐỂ BÉ YÊU KHÔNG CÒN SO BÌ, VÒI VĨNH KHI NHẬN TIỀN LÌ XÌ

Xã hội hiện đại ngày một phát triển làm mất đi giá trị tinh thần đẹp đẽ của lì xì

Tôi vẫn nhớ như in câu chuyện ngày mồng 1 năm ngoái, khi gia đình cậu em dẫn hai con nhỏ tới chúc Tết nhà ông bà nội. Các con của cậu ấy vừa bước chân vào cửa, chân còn chưa bỏ giày, miệng còn chưa chào người lớn đã thi nhau nằng nặc đòi tiền lì xì: “Ông bà ơi cho cháu xin lì xì!”, “Ông không được cho cái Cam nhiều hơn, phải cho cháu cơ…”. Lúc ấy mặt em tôi và em dâu méo xệch, chỉ còn thiếu nước “đào lỗ mà chui xuống đất” vì quá xấu hổ mà thôi.

Một câu chuyện cũng “cười ra nước mắt” không kém của bạn thân tôi, cô ấy có một bé trai năm nay 3 tuổi, bình thường con rất nhanh nhẹn, tính cách hiếu động, hướng ngoại, tuy nhiên đôi khi hay bị bạn bè trêu chọc nên sinh ra thói hơn thua người khác. Hôm ấy nhà cô bạn tôi đón một vị khách lớn tuổi sang chúc Tết, con cô ấy đã bóc ngay lì xì ra trước mặt khách, rồi hờn dỗi nói rằng: “Cháu bắt đền bác đấy, bác cho cháu có 50.000đ ít quá à, cái Dương bạn cháu khoe là toàn được lì xì 100.000đ cơ”. Lúc ấy vị khách đứng hình mất một lúc, rồi gượng cười và phải rút ví ra lấy thêm tiền mừng cho con.

ĐỂ BÉ YÊU KHÔNG CÒN SO BÌ, VÒI VĨNH KHI NHẬN TIỀN LÌ XÌ

Trẻ chê ít, đòi thêm lì xì... là những tình huống dở khóc dở cười khiến các vị khách và ba mẹ đều cảm thấy khó xử

Đó chỉ là 2 trong số vô vàn những câu chuyện về việc trẻ tị nạnh, so bì vì chiếc phong bao lì xì. Trẻ em như một trang giấy trắng, ba mẹ là người gần gũi và thân thuộc nhất với trẻ cần phải chỉ bảo con kỹ càng hơn để con luôn là một em bé ngoan, lễ phép và được mọi người yêu mến.

Những điều cần dạy bé khi nhận lì xì trong năm mới

Trước hết, ba mẹ nên nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu ý nghĩa sâu xa của tiền lì xì, đó là người lớn muốn chúc cho con năm mới chăm ngoan, học giỏi, mạnh khỏe… Chính vì vậy, số tiền trong bao lì xì ít hay nhiều không quan trọng vì đó là một món quà mang ý nghĩa về tinh thần, nó biểu tượng cho những điều tốt đẹp, bình an mà người tặng muốn gửi gắm đến người nhận. Thế nên, trẻ hãy coi trọng chính thông điệp mà những phong bao lì xì gửi gắm thay vì số lượng tiền chứa đựng bên trong.

ĐỂ BÉ YÊU KHÔNG CÒN SO BÌ, VÒI VĨNH KHI NHẬN TIỀN LÌ XÌ

Biết mỉm cười, nói lời cảm ơn khi nhận được lì xì là những điều giúp con ghi điểm trong mắt khách tới chơi nhà

Ba mẹ hãy nhắc nhở con biết mỉm cười và nói lời cảm ơn, dạy bé một số câu chúc tết đơn giản mà dễ thương tới người lớn. Đặc biệt, ba mẹ phải chú ý dặn dò trẻ về cách ứng xử lễ phép khi nhận được tiền “may mắn”: cầm lì xì bằng hai tay, không bóc ra xem ruột trước mặt khách, không hỏi về tiền ở bên trong, không đòi hỏi thêm lì xì nữa nếu đã được cho một lần rồi… Ba mẹ cũng có thể rủ con tham gia vào trò chơi đóng kịch người nhận và người tặng lì xì, rồi thông qua đó làm mẫu cho bé những động tác lịch sự với người lớn.

ĐỂ BÉ YÊU KHÔNG CÒN SO BÌ, VÒI VĨNH KHI NHẬN TIỀN LÌ XÌ

Ba mẹ hãy chỉ cho trẻ cách ứng xử lễ phép để con luôn là em bé ngoan ngoãn, đáng yêu trong mắt mọi người nhé!

Nếu con đã trên 6 tuổi, ba mẹ cũng không nên tịch thu tiền lì xì của con, như thế bé sẽ sinh ra tâm lý ấm ức, khó chịu và cảm thấy không công bằng. Thay vào đó ba mẹ nên khéo léo giúp con hiểu được giá trị của tiền và biết cách tiêu chúng hợp lý, không nên phung phí vào những món đồ chơi đắt tiền.

Mai Vu Victoria

Bình luận về bài viết

Bạn đang tìm trường mầm non cho bé? Khám phá các trường mầm non tốt gần bạn

Học ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ, áp dụng các phương pháp giáo dục sớm tiên tiến

Trường mầm non chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt, nhiều hoạt động ngoại khoá