Khi trẻ lên 3 tuổi, trẻ mong muốn được khẳng định bản thân và quyết định mọi việc. Đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của trẻ đến giai đoạn mới và đồng thời cũng làm xuất hiện tính bướng bỉnh, ích kỷ và thậm chí là hỗn láo khi trẻ có nhiều mong muốn mà người lớn không hiểu, hoặc không đáp ứng được cho trẻ, vì thế xảy ra cái gọi là “cuộc khủng hoảng của tuổi lên 3”.
Đặc điểm tâm lý của trẻ lên 3
1. Trẻ bắt đầu hình thành và thể hiện cái “tôi”
Trong thời kỳ “nhạy cảm” này bé thích tự làm mọi việc. Trẻ có thể không muốn làm theo sự, chỉ bảo của người lớn và thường hay cố tình làm ngược lại để khẳng định cái tôi, cho cha mẹ biết rằng mình đã lớn. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế trẻ chưa phân biệt được đúng sai, năng lực và khả năng ngôn ngữ còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, do thường bị người lớn cấm đoán nên nhu cầu độc lập của trẻ không được thỏa mãn, khiến trẻ có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ và có thể có cả hành vi chống đối.
2. Quan tâm nhiều hơn tới thế giới xung quanh
Bé chú ý hơn tới các vật dụng gia đình, quan sát các hiện tượng ngoài cửa sổ, bắt chước động tác của các con vật, thích nghịch nước và chơi bóng… Ý thức về thời gian của bé trở nên rõ ràng hơn. Bé yêu thể hiện sự quan tâm còn bằng việc luôn tò mò muốn tìm hiểu khám phá tính chất của sự vật, dần dần biến cái đồ chơi đó thành môn luyện tập các kỹ năng đơn giản, đồng thời bắt đầu biết dùng các vật thể đó làm các trò chơi theo trí tưởng tượng của trẻ.
3. Biết thể hiện cảm xúc của mình:
Biết bày tỏ tình cảm của mình với ông, bà, cha, mẹ, thể hiện “tinh thần đoàn kết” với các bạn cùng chơi. Bé thích được khen, biết mình mắc lỗi khi làm sai… Lúc này, bé yêu của bạn cũng đã có sự tự ý thức về cảm xúc rất rõ rệt, bé đã biết xấu hổ khi bị ai đó lên án. Thậm chí, trẻ có thể tự nhận xét về mình thông qua nhận xét của người lớn hoặc liên hệ với các nhân vật trong truyện.
Những biểu hiện “khủng hoảng tuổi lên ba”:
Trong cuốn sách “Về nhân cách trẻ 3 tuổi”, V.Keler đã từng nhấn mạnh đợt khủng hoảng vĩ đại của một đứa trẻ với những biểu hiện có thể có như: “Bé trở nên tiêu cực hơn trong quan hệ xã hội với những người xung quanh nên đôi lúc bé không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn. Bé cũng có thể ngoan cố hơn, có những phản ứng đối với những quyết định của chính mình, thể hiện ở chỗ trẻ kiên quyết nghiêng về phía sự thoả mãn đòi hỏi của bản thân, sự quyết định của mình.”
Bạn cũng cảm thấy con mình trở nên ngang ngạnh và không vâng lời những người thân trong gia đình mình. Bé cũng có thể đột nhiên tự tiện hơn trong hành vi, bé muốn tự mình làm điều gì đó không cần sự giúp đỡ của bố mẹ nữa, và hướng đến sự độc lập về mặt vận động của bé. Đôi lúc bạn bị sốc thực sự khi nghe con bạn mắng người lớn là “đồ ngốc”, hoặc bé trở nên nổi loạn trong những tình huống cụ thể.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng, bởi nguyên nhân của khủng hoảng này là trẻ có nhu cầu độc lập do phát triển ý thức bản ngã, tự ý thức nhưng năng lực còn hạn chế, cơ thể còn non nớt và đặc biệt là người lớn thường cấm đoán nên nhu cầu độc lập của trẻ không được thỏa mãn. Bạn hãy lựa chọn cho mình một phương pháp phù hợp để chia sẻ những khó khăn về tâm lý của bé yêu trong giai đoạn này.
Bí quyết giúp cha mẹ "chiến đấu" cùng con:
Để cùng con vượt qua giai đoạn này, bố mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau của Kiddi nhé:
1. Hạn chế la hét
La hét là một cơ chế phòng thủ mà người lớn thường đem ra sử dụng những lúc trẻ nhỏ không nghe lời. Tuy nhiên, hành động này lại gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý bé nhiều hơn mà bạn có thể nhận ra, dẫu cho việc này có thể làm cho con nghe lời bạn ngay lập tức.
Thay vì rầy la con một cách lớn tiếng, bố mẹ hãy cố gắng kiềm chế không quát mắng bé và tìm ra những hình thức cảnh cáo nhẹ nhàng hơn. Ba mẹ có thể khuyên bé, hỏi han xem tại sao bé lại làm như vậy, bé sẽ nói ra nguyên nhân, cha mẹ hãy dựa vào hoàn cảnh để lý giải cho bé tại sao con không nên làm như vậy, làm sai có thể dẫn đến hậu quả ra sao. Cha mẹ hãy cố gắng thật nhẹ nhàng vì như vậy sẽ không khiến con hoảng sợ và dễ ràng nói ra suy nghĩ của con điều này sẽ giúp cha mẹ hiểu bé, tăng sự liên kết giữa trẻ và cũng giúp việc nuôi dạy trẻ dễ dàng hơn.
2. Học cách lắng nghe
Trong quá trình trưởng thành của trẻ con luôn mong muốn cha mẹ hiểu được suy nghĩ của mình. Trẻ nhỏ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi biết được người lớn đang lắng nghe những gì bé đang cố gắng bày tỏ. Nếu con tỏ vẻ khó chịu vì bạn không mua món đồ chơi mà bé thích trong lúc đi siêu thị, bạn hãy đặt ra những mục tiêu cho bé! Nếu con muốn món đồ chơi đó con phải hoàn thành những nhiệm vụ được giao hoặc nó sẽ là phần thưởng cho bé nếu bé ăn ngoan, tự làm được các việc vệ sinh cá nhân. Hãy cùng con đặt ra những mục tiêu để con luôn phấn đấu và không bao giờ ỉ lại hay mè nheo với cha mẹ.
3. Giải thích
Một bé bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 hiếm khi hiểu được vì sao mình lại phải ngừng làm những hành động mà bản thân cảm thấy vui, chẳng hạn như cắn, đánh hoặc lấy đồ chơi của bạn. Cha mẽ hãy đồng cảm và giải thích với bé để cho bé hiểu và không tủi thân. Cha mẹ hãy trao đổi với con nhẹ nhàng: “Nếu con làm các bạn nhỏ khác đau, bạn sẽ khóc và rất buồn, (giống như con nếu bị ai đó cướp đồ chơi con có vui không? Hãy xin lỗi bạn và hai đứa có thể chia sẻ đồ chơi với nhau nhé)”. Biện pháp này sẽ giúp bé hiểu được rằng hành vi của mình ảnh hưởng trực tiếp đến người khác và bé không nên để những việc tương tự xảy ra.
4. Luôn luôn quan sát trẻ
Tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3 khiến trẻ nhỏ sẽ làm mọi cách để thu hút sự chú ý từ người lớn, bạn có thể nhận biết điều này qua việc con thường xuyên tìm cách lấy điện thoại di động những lúc bạn đang sử dụng hoặc chen vào giữa bạn và máy tính khi bạn đang làm việc. Dĩ nhiên, người lớn cần phải hoàn thành những nhiệm vụ hàng ngày và không phải lúc nào cũng có thể chơi đùa với con.
Do đó, nếu bé tỏ ra muốn được bạn quan tâm đến, hãy tạm dừng việc đang làm trong chốc lát để ôm con và hỏi xem trẻ có cần uống nước hoặc ăn gì đó không. Nếu con chơi hãy ở gần con trong vòng an toàn, để trẻ có thể yên tâm hơn và cũng để ba mẹ có thể xử lý những việc phát sinh.
5.Tôn trọng bé
Nhiều ba mẹ luôn có suy nghĩ “con mình sinh ra nên nó phải nghe theo mình”. Điều này không phải hoàn toàn sai vì không cha mẹ nào muốn con gặp phải điều xấu nhưng trẻ cũng có những suy nghĩ, cảm xúc riêng. Cha mẹ hãy dành cho con một không gian riêng, đừng quá áp đặt suy nghĩ của bạn nên trẻ, hãy tôn trọng “cái tôi”của con. Cha mẹ bằng cách hỏi con và cho con được lựa chọn trong chừng mực có thể bạn có thể giúp con phát triển nhanh hơn, tự lập hơn rất nhiều. Với các bé nhút nhát nếu ba mẹ động viên đồng hành cùng con sẽ giúp con tự tin hơn và dám thể hiện bản thân. Nhưng nếu cha mẹ quá bao bọc con, sẽ có thể làm bé sợ tất cả mọi thứ xung quanh, bé sẽ không cảm thấy tin tưởng, không an toàn, bé sẽ không bao giờ có thể thể hiện hết khả năng của bản thân. Thế nên, bạn cần phải quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của bé bạn nhé.
Khi bé lên 3,mẹ nên hướng dẫn bé ngay cách làm quen với bạn bè, cách chào hỏi thầy cô và cách nói chuyện với người lớn. Cuối tuần, bố mẹ nên cho bé đi chơi công viên, vườn bách thú, để bé có dịp tự làm quen với các bạn. Khi bé lớn hơn một chút, mẹ có thể cho bé tham gia các lớp học năng khiếu. Khi làm việc nhà, bạn hãy cùng cho bé tham gia như vậy bé sẽ dạy cho bé tính tự giác và sự độc lập trong cuộc sống.
May mắn là giai đoạn này sẽ nhanh chóng qua đi, những phản ứng “tiêu cực” thường sẽ không tồn tại lâu. Tuy nhiên nếu không được giáo dục đúng cách, chúng có thể trở thành những thuộc tính tâm lý cố hữu, một phần của nhân cách đứa trẻ và rất khó sửa sau này.
Bình luận về bài viết