Giúp bé hiểu hơn về Tết thông qua tục gói Bánh Chưng

Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngoài việc trang hoàng nhà cửa bằng cành đào, cành mai, hay bày trí những mâm ngũ quả, mứt kẹo, rượu… trên bàn thờ tổ tiên, thì có lẽ không một gia đình nào có thể thiếu được màu xanh của Bánh Chưng cổ truyền.

Giúp bé hiểu hơn về Tết thông qua tục gói Bánh Chưng

Bánh chưng - Hương vị không thể thiếu trong những ngày Tết

Ngày xưa, cứ đến 28, 29 Tết là cả gia đình lại quây quần bên nồi bánh, mẹ thì ngâm gạo, làm nhân đỗ, con ngồi lau lá dong, bố đảm nhận việc gói bánh chưng, thay phiên trông nồi bánh và trẻ nhỏ thì vô cùng háo hức chờ thành phẩm được ra lò…. Cứ vậy, mỗi người mỗi việc nhưng trong nhà và ngoài sân luôn tràn ngập tiếng cười giòn an, rộn rã của trẻ nhỏ và người lớn.

Giúp bé hiểu hơn về Tết thông qua tục gói Bánh Chưng

Mỗi khi gói bánh Chưng là cả gia đình lại quây quần bên nhau

Trong lúc con đang tỉ mẩn lau từng chiếc lá phụ giúp gia đình, bố mẹ kể cho con nghe về sự tích bánh chưng, bánh dày. Về câu chuyện của người con trai hiền lành, đạo đức và rất hiếu thảo Lang Liêu đã sáng tạo ra Bánh Chưng để để dâng lên vua cha.

… Tương truyền rằng vào đời Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh bỏ được giặc Ân ra khỏi bờ cõi, vua có ý nguyện truyền lại ngai vàng cho một người xứng đáng nhất. Nhân dịp đầu xuân năm mới, vua bèn cho họp tất cả các hoàng tử lại và đưa ra một cuộc thi:

- Trong các con, ai tìm được thức ăn ngon để bày cho mâm cỗ tết thật ý nghĩa và ấm cúng thì ta sẽ truyền lại ngôi vua cho người đó.

Tất cả các hoàng tử bèn đua nhau tìm kiếm khắp nơi tất cả những thức ăn ngon nhất, của lạ nhất để dâng lên vua Hùng với hi vọng mình sẽ chiến thắng, riêng hoàng tử Lang Liêu do mẹ mất sớm nên không biết xoay sở ra sao. Một hôm Lang Liêu đang ngủ thì mơ màng trông thấy một vị thần xuất hiện và bảo chàng rằng:

- Này con, trong trời đất này thì không có gì quý bằng gạo cả, gạo chính là thức ăn có thể nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp thật ngon, làm thành những chiếc bánh hình tròn và hình vuông. Hình tròn tượng trưng cho trời còn hình vuông để tượng trưng cho đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, làm nhân đặt trong ruột bánh để tượng trưng cho sự sinh thành của cha mẹ.

Giúp bé hiểu hơn về Tết thông qua tục gói Bánh Chưng

Hình vuông của bánh tượng trưng cho đất, nhân đặt trong ruột bánh biểu tượng cho sự sinh thành của cha mẹ.

Lang Liêu bừng tỉnh và mừng rỡ làm theo lời thần dặn, đến ngày hẹn, các hoàng tử khác mang tới vô vàn sơn hào hải vị ở khắp các vùng miền, cực kì hiếm có khó tìm, riêng Lang Liêu lại dâng lên nhà vua một món ăn làm ra từ những nguyên vật liệu gần gũi với đời sống hàng ngày như: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong... nhưng ẩn chứa trong đó là vô vàn ý nghĩa. Vậy là Vua đã nhường lại ngôi cho con trai thứ 18 của mình. Kể từ đó, bánh chưng đã trở thành món ăn không thể thiếu để thờ cúng tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông trong mỗi dịp Tết đến xuân về…

Thời hiện đại ngày nay, còn bao nhiêu em nhỏ được tự tay gói những chiếc bánh chưng mang đậm bản sắc dân tộc, được giúp bố mẹ trông bếp lửa những ngày giáp Tết? Hay các em chỉ biết đến bánh chưng như một món ăn mua sẵn ngoài hàng, chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là có người mang tới tận nơi?

Giúp bé hiểu hơn về Tết thông qua tục gói Bánh Chưng

Để giữ Tết cổ truyền cho con, ba mẹ hãy cho trẻ trải nghiệm hoạt động gói bánh chưng nhé!

Chính vì thế để góp phần trau dồi, bồi đắp các giá trị truyền thống cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước, để qua thời gian, bản sắc văn hóa Việt vẫn được gìn giữ và phát huy… bố mẹ nên “hi sinh” một chút thời gian những ngày gần Tết bận rộn để cùng bé gói bánh chưng, cho con có một trải nghiệm thật đáng nhớ.

Mai Vu Victoria

Bình luận về bài viết

Bạn đang tìm trường mầm non cho bé? Khám phá các trường mầm non tốt gần bạn

Học ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ, áp dụng các phương pháp giáo dục sớm tiên tiến

Trường mầm non chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt, nhiều hoạt động ngoại khoá