Trẻ bị chảy máu cam không phải là hiện tượng hiếm gặp, tuy nhiên, khá nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng, bối rối và không biết xử lý tình huống này như thế nào. Nếu bé rơi vào tình trạng đó, bố mẹ cần phải làm gì? Cha mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam, cũng như cách chăm sóc để con hạn chế tình trạng này nhé!
I. Tình trạng chảy máu cam ở trẻ là gì?
Hầu hết chảy máu cam xảy ra khi các mạch máu nhỏ nằm bên trong mũi bị vỡ và chảy máu. Những mạch máu này rất mỏng manh và nằm rất gần bề mặt, khiến chúng dễ dàng bị thương. Hầu hết chảy máu cam ở trẻ em xảy ra ở phần trước của mũi gần với lỗ mũi. Phần mũi này có nhiều mạch máu nhỏ. Chảy máu cam thường gặp ở trẻ từ 3 đến 10 tuổi và thường xuyên xảy ra ở những vùng có khí hậu khô.
Chảy máu cam được chia thành 2 loại: chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau.
1. Chảy máu mũi trước
Chiếm khoảng 90% trường hợp: Xuất phát từ phía trước mũi. Khu vực này chứa nhiều mạch máu nhỏ rất dễ vỡ khi xì mũi hay khi có chấn thương cục bộ (ngoáy mũi, day mũi).
Tình trạng này rất phổ biến ở những vùng khí hậu hanh khô hay môi trường khô (dùng lò sưởi, máy điều hòa kéo dài). Tình trạng khô niêm mạc khiến vách ngăn mũi có vảy, nứt nẻ và chảy máu.
Thường chảy máu một bên: Máu mũi chủ yếu chảy ra phía trước (nếu có chảy xuống họng thì số lượng cũng ít). Chảy máu dai dẳng, khối lượng không nhiều. Thường ngừng chảy máu sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu. Trường hợp nặng cần ‘đốt’ điểm mạch bằng nitrat bạc hoặc hóa chất khác.
2. Chảy máu mũi sau
Chiếm khoảng 10% trường hợp: Thường liên quan tới các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi. Tuy không phổ biến ở trẻ em nhưng chảy máu mũi sau nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn và thường cần được chăm sóc y tế.
Thường chảy máu cả hai bên: Máu mũi chảy ra phía sau và chủ yếu đi xuống họng. Máu chảy nhiều, có thể nguy kịch. Kiểm soát bằng nhét bấc mũi hoặc thắt mạch máu.
II. Cách xử lý khi bé bị chảy máu cam?
Khi trẻ bị chảy máu cam, cha mẹ cần bình tĩnh thao tác theo các bước cơ bản sau đây để giúp con mình vượt qua.
Bước 1: Xác định bên mũi chảy máu
Trẻ nhỏ thường chảy máu cam một bên mũi, tuy nhiên, khi bị chảy máu, trẻ thường có phản ứng dụi mũi khiến khó phân biệt máu cam chảy ra từ bên nào. Vì vậy, các mẹ khi phát hiện con bị chảy máu cam, tuyệt đối không để bé dụi mũi tiếp. Sau khi lau sạch mũi, mẹ hãy đặt đầu trẻ hơi cúi về phía trước để máu chảy ra và các mẹ sẽ nhận ra bên mũi nào chảy máu. Đồng thời, tư thế này khiến máu cam không chảy ngược về phía họng, gây nôn ói.
Bước 2: Cầm máu
Lấy ngón tay đè lên cánh mũi trẻ, hơi ngửa đầu trẻ lên một chút và giữ nguyên khoảng 5 - 10 phút để máu ngừng chảy. Lưu ý, không bóp phần xương sống mũi hay chỉ ấn một bên cánh mũi vì làm vậy không thể giúp cầm máu mà còn làm trẻ bị đau. Bên cạnh đó, cũng không được thả tay ra quá sớm hoặc nhiều lần vì có thể khiến máu chảy kéo dài hơn do chưa thể hình thành được cục máu đông ngăn cản máu chảy.
Bước 3: Chăm sóc sau chảy máu cam cho trẻ
Để trẻ nghỉ ngơi ở trạng thái tĩnh. Nếu máu cam vẫn tiếp tục chảy và bị chảy xuống cổ họng thì đặt trẻ nằm nghiêng cho máu cam chảy ra ngoài. Không được để trẻ nuốt máu này vì rất có thể trẻ sẽ bị ngộ độc, gây nôn mửa, đau bụng và khó chịu.
III. Những sai lầm thường gặp khi con chảy máu cam
Tâm lý chung của hầu hết bố mẹ khi thấy con mình gặp những vấn đề bất thường nào đó về sức khỏe là lo lắng “đứng ngồi không yên”, thậm chí là mất bình tĩnh. Do đó, trong quá trình xử trí khi trẻ bị chảy máu cam, một số ba mẹ có thể mắc sai lầm, khiến tình trạng thêm tồi tệ.
1. Cho bé nằm hoặc ngả đầu ra sau
Cho bé nằm xuống hoặc ngửa đầu ra phía sau là sai lầm phổ biến và cực kỳ tai hại mà nhiều bố mẹ mắc phải. Điều này khiến máu chảy nhiều xuống cổ họng, làm bé khó chịu, bị ngạt và sặc máu do máu chảy qua lỗ thông khí. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây khó thở và ngộ độc máu.
2. Cầm máu bằng bông, gạc, giấy
Theo quán tính, khi thấy bé bị chảy máu cam thì ba mẹ sẽ cầm máu cho con bằng cách lấy bông, gạc, giấy thấm nhét vào mũi. Tuy nhiên, không ai có thể đảm bảo bông, gạc hay giấy thấm đều được vô khuẩn, vì thế, khi những vật dụng cầm máu này tiếp xúc với niêm mạc mũi có thể sẽ gây nhiễm trùng.
3. Lạm dụng nước muối sinh lý
Nhiều người quan niệm nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên sẽ tạo độ ẩm cho mũi, giúp niêm mạc mũi không bị khô, vì thế, sẽ không bị chảy máu cam. Tuy nhiên, nhỏ muối sinh lý quá nhiều có thể chỉ tạo độ ẩm lúc đó, nhưng lâu dài lại khiến mũi bị khô hơn do phụ thuộc vào nước muối sinh lý.
IV. Phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ như thế nào?
- Bố mẹ hãy nhắc nhở con trẻ đừng ngoáy mũi hay dán bất cứ thứ gì lên mũi.
- Tránh xì mũi quá mạnh.
- Khi mũi trẻ có cảm giác khô và ngứa, bố mẹ hãy sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi hai hoặc ba lần một ngày.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ của trẻ. Máy tạo độ ẩm sẽ phun ra hơi nước mịn vào không khí và điều này giữ cho không khí quá khô.
- Khi không khí ẩm ướt, mũi của trẻ sẽ ít có cảm giác khô bên trong.
Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bố mẹ có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong quá trình chăm sóc trẻ để các bé lớn lên sẽ khỏe mạnh và phát triển tốt nhất.
Bình luận về bài viết