Cho con ăn quả thực không phải là điều dễ dàng với bất cứ cha mẹ nào. Nhất là trẻ biếng ăn, dù bạn có dỗ cách nào con cũng không chịu hợp tác. Cha mẹ đang gặp khó khăn với vấn đề này thì hãy thử áp dụng những bí quyết này nhé.
1. Không nên dỗ trẻ ăn quá nhiều lần trong ngày. Như vậy sẽ khiến trẻ chán nản, khó chịu mỗi lần mẹ ép ăn. Mẹ chỉ nên gợi ý cho con ăn khi con tỏ ý đã đói thôi nhé. Dù con có lười ăn thế nào nhưng khi đói vẫn sẽ muốn ăn. Hãy thử không bắt con ăn liên tục trong vài ngày, bạn sẽ thấy con thay đối đấy.
Đừng cố ép con ăn khi con không muốn
2. Quan sát con hay đói vào thời điểm nào trong ngày thì hãy cho bé ăn vào những khung giờ đó. Như vậy cũng tạo thói quen ăn uống điều độ cho bé.
3. Giảm số bữa ăn trong ngày. Các chuyên gia dinh dưỡng nói rằng, một đứa trẻ 3 tuổi thực sự không cần đến 5 bữa ăn mỗi ngày. Ngoài 3 bữa chính, mẹ có thể cho con ăn hoa quả, sữa chua vào giữa các buổi, nhưng đừng cho bé ăn quá no nhé.
4. Hạn chế cho trẻ ăn vặt như kẹo, bim bim, đồ ăn nhanh trước các bữa ăn. Những đồ này ảnh hưởng rất nhiều đến sự ngon miệng của trẻ đấy nhé.
5. Hãy giảm khẩu phần ăn của bé. Một bát cơm đầy sẽ khiến trẻ sợ và chán ngán. Sẽ hoàn toàn khác nếu trước mặt bé là một miếng con tôm nho nhỏ, nắm cơm bé xíu và vài cọng rau xinh xinh.
6. Thay đổi món ăn thường xuyên cho con. Nếu 2 ngày liên tiếp bé phải ăn trứng, thịt, rau, lặp đi lặp lại thì không có gì lạ khi trẻ chán ăn. Ngay cả người lớn cũng sẽ khó chịu nếu không thường đổi bữa.
Trình bày món ăn thật hấp dẫn để kích thích sự thèm ăn của con
7. Trình bày món ăn thật hấp dẫn, đẹp mắt cũng sẽ kích thích trẻ thèm ăn. Bạn có thể nắm cơm thành những hình thù ngộ nghĩnh, rau củ quả cắt thành bông hoa, ngôi sao, hay một món salad nhiều màu sắc,... Chắc chắn đứa trẻ nào cũng thích thú với những điều mới lạ.
8. Hãy để trẻ tự chọn thực đơn. Bạn có thể dẫn bé theo khi đi chợ, đi siêu thị và hỏi bé "Con muốn ăn gì nào?" hoặc đề xuất thực đơn để bé chọn.
9. Hãy chấp nhận một số ý thích trái khoáy của bé. Nếu bé nhất định đòi uống sinh tố cà chua với cam, bạn đừng lấy đó làm điều bực mình, hãy làm cho bé. Đó chẳng qua là khẩu vị. Nếu bé chỉ thích bánh mỳ kẹp hình tam giác hay uống sữa bằng ống hút, bạn cứ chiều theo ý thích của bé, chắc chắn rồi đến lúc bé sẽ chán.
10. Đừng ép bé ăn thứ bé không thích. Bé không muốn ăn thịt thì bạn có thể cho bé ăn giò, xúc xích. Bé không muốn ăn rau thì hãy cho bé ăn nhiều trái cây, sữa chua để dễ tiêu hóa.
11. Hạn chế cho bé uống trước bữa ăn hay vừa ăn vừa uống. Bé sẽ chỉ chọn cốc nước nếu bạn đặt cốc nước cùng bát cơm trước mặt bé. Và cái dạ dày bé tẹo của bé chứa đầy nước sẽ không còn chỗ cho bữa cơm trưa hoặc tối.
Hãy kiên nhẫn chờ đợi con ăn hết bữa cơm dù con ăn chậm
12. Đừng ép bé phải ăn nhanh, theo kịp bữa cơm của người lớn. Bé ăn chậm không có nghĩa là bé biếng ăn. Hãy kiên nhẫn ngồi cùng con đến hết bữa ăn, đừng tỏ ra sốt ruột. Mẹ có thể kể cho bé nghe những câu chuyện thú vị để bé chú ý vào câu chuyện mà quên đi bát cơm "đáng ghét".
13. Mẹ đừng bón cho bé mà hãy để bé tự ăn. Trẻ sẽ vui vẻ, thích thú khi được khen là đã lớn, có tính tự lập. Trẻ 2-3 tuổi sẽ khó chịu khi mẹ cứ mãi làm thay bé. Chúng có thể tự ăn nhiều hơn nếu mẹ ở bên theo dõi và khích lệ.
14. Đừng ép bé phải ăn đến miếng cơm cuối cùng nếu bé đã thấy đủ và no. Bởi nếu không, vào những bữa cơm sau bé sẽ sợ và chán ghét bữa cơm. Hãy để bé đặt bát xuống, còn bạn không bình luận gì về chuyện đó.
15. Hãy cho bé cùng tham gia nấu nướng. Bé sẽ thấy thích thú khi ăn những món ăn chính tay mình chuẩn bị. Mẹ có thể dạy bé nhặt rau, trộn gia vị cho món salad. Dù bé làm chưa được tốt nhưng mẹ cũng hãy khích lệ để bé tiếp tục phát huy vào lần sau.
Chữa bệnh biếng ăn cho bé, không những con khỏe mà mẹ cũng khỏe. Hãy trở thành những người bạn với con trong bữa ăn để con có những bữa ăn thật ngon miệng nhé.
Bình luận về bài viết