Tật nói lắp ở trẻ và những điều ba mẹ cần biết để khắc phục

Nói lắp là tật khá phổ biến ở trẻ em. Tật này thường xuất hiện ở giai đoạn trẻ tập nói, phát triển ngôn ngữ. Có trẻ chỉ nói lắp một vài tuần đến một vài tháng đến khi trẻ nói sõi, cũng có những trẻ nói lắp cho đến khi trưởng thành và trở thành bệnh khó chữa. Vì vậy, ba mẹ cần lưu ý và chữa tật nói lắp ở trẻ càng sớm càng tốt.

1. Biểu hiện tật nói lắp ở trẻ

Tật nói lắp ở trẻ và những điều ba mẹ cần biết để khắc phục

Nếu ba mẹ quan sát thấy trẻ khi nói chuyện cứ lặp đi lặp lại một âm tiết hoặc từ thì chính là trẻ đang nói lắp. Hay sự kéo dài âm và gián đoạn lời nói, như bị chặn lại, cũng là nói lắp. Bé định nói một câu gì đó nhưng lại gặp khó khăn trong việc tạo ra một lời nói bình thường. Nói lắp cũng có thể là lặp đi lặp lại trong câu nói những âm thanh gián đoạn như “à ờ”.

Ví dụ về các biểu hiện của trẻ mắc tật nói lắp:

- Lặp lại một phần từ: “Con kh-kh-kh-không muốn đi học”.

- Lặp lại từ: “Năm-năm-năm nay con 3 tuổi”.

- Âm thanh kéo dài: “Mẹ cccccccon đi làm”.

- Tạm dừng: “Bố con............là công an”.

Khi trẻ nói lắp, trên mặt cũng thể hiện sự căng thẳng và đôi khi cả những phần khác của cơ thể cũng trở nên lúng túng, động tác thiếu tự nhiên. Có những trường hợp trẻ nói lắp nghiêm trọng luôn phải nỗ lực rất nhiều mỗi khi nói hoặc cố gắng thay đổi các từ, hay dùng thêm những âm thanh khác khi nói chuyện để che giấu tật nói lắp của mình, thậm chí có trẻ né tránh không muốn nói chuyện.

2. Nguyên nhân khiến trẻ nói lắp

Tật nói lắp ở trẻ thường xuất hiện khi trẻ ở giai đoạn tập nói (18 đến 24 tháng) và nếu bình thường thì đến 5 tuổi sẽ hết. Nhưng nếu trẻ nói lắp liên tục và kéo dài trong 6 tháng thì ba mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để sữa chữa sớm cho trẻ.

Trong gia đình có người nói lắp: Theo khảo sát có gần 60% trẻ nói lắp là do gia đình có người nói lắp. Mặc dù chưa xác định chính xác tật này có yếu tố di truyền gen nhưng có thể hiểu rằng: trong giai đoạn trẻ tập nói, trẻ tiếp xúc với người trong gia đình cũng có tật nói lắp thì có khả năng trẻ bắt chước và nói lắp theo.

Yếu tố môi trường: Cũng gần tương tự như trong gia đình trẻ có người nói lắp, trẻ có khả năng ghi nhớ và bắt chước mạnh nên khi sống hoặc tiếp xúc thường xuyên với người nói lắp xung quanh mình thì bé cũng có nguy cơ nói lắp.

Tật nói lắp ở trẻ và những điều ba mẹ cần biết để khắc phục

Tác động bởi gia đình: Nếu trẻ sống trong một gia đình bất hòa, bố mẹ ly dị, thường xuyên phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, sợ hãi sẽ dễ dẫn đến các bênh tâm lý, trầm cảm, luôn trong trạng thái bất an, rụt rè, nói không lên lời mỗi khi được hỏi và cuối cùng dẫn đến nói lắp.

Mắc bệnh liên quan đến ngôn ngữ: Những đứa trẻ mắc các chứng bệnh về ngôn ngữ và tiếng nói có khả năng mắc tật nói lắp cao hơn so với những đứa trẻ bình thường.

Sự phát triển theo độ tuổi: Thông thường trẻ từ 1-2 tuổi bắt đầu biết nói, tập nói. Lúc này khả năng tư duy ngôn ngữ và vốn từ của trẻ chưa nhiều nên thường nói chậm, vừa nói vừa nghĩ để hoàn thành một câu dài nên đôi khi nói lặp từ. Khi lớn hơn, trẻ có đủ nhận thức về ngôn ngữ thì sẽ hết tình trạng này. Tuy nhiên nếu 5-8 tuổi mà bé vẫn chưa tự sửa hoặc được người lớn sửa thì có thể trẻ sẽ bị nói lắp vĩnh viễn.

Áp lực từ xung quanh: Khi trẻ đang nói nhưng bị kích động hay thúc giục có thể khiến trẻ bị nói lắp nhiều hơn. Hoặc ai đó trêu chọc trẻ, chú ý đến câu nói của trẻ và bắt bẻ từng từ khiến trẻ bối rối và lo lắng khi nói chuyện cũng làm tăng tình trạng nói lắp của trẻ.

3. Cách khắc phục tật nói lắp ở trẻ

Tạo sự tự tin cho trẻ: Hãy luôn tạo cho bé sự thoải mái, vui vẻ, tự tin khi nói về điều gì đó, khi giao tiếp với mọi người. Không gây áp lực khi trẻ nói sai, hay nhắc nhở bé “Con nói lại”, “Nói chậm lại”, “Nói nhanh lên” khiến bé bối rối. Từ đó, bé sẽ có thể nói rành rọt chứ không lắp bắp, bối rối như trước.

Kiên nhẫn với con: Ở giai đoạn bé tập nói, ba mẹ hãy kiên nhẫn lắng nghe điều con nói, đáp lại lời bé một cách chậm rãi, bình tĩnh và rành mạch để bé học theo. Ngay cả những người xung quanh, bé thường giao tiếp hằng ngày cũng cần làm điều này khi nói chuyện với bé.

Vờ như không bao giờ chú ý đến tật nói lắp ở trẻ: Ba mẹ hay bất cứ ai khi giao tiếp với bé đừng cố nhại lại cách trẻ nói lắp chỉ để đùa giỡn. Ngược lại hãy nói thật chậm rãi để bé cũng bị ảnh hưởng theo, khắc phục được tật nói lắp.

Hát cùng trẻ: Tình trạng nói lắp ở trẻ giảm đi đáng kể khi hát, đọc, nói đồng thanh. Vì vậy, hãy khuyến khích bé hát mỗi khi có thể để cải thiện tình trạng nói lắp. Hoặc tương tự, mỗi ngày ba mẹ yêu cầu bé đọc thành lời một câu chuyện trong sách để bé luyện khả năng phát âm.

Tật nói lắp ở trẻ và những điều ba mẹ cần biết để khắc phục

Khuyến khích trẻ nói về điều mình thích: Có nhiều trẻ không nói lắp khi chơi trò chơi hay kể về một điều mình thích và ghi nhớ. Bởi khi đó, vốn từ ngữ của trẻ đã có sẵn và được ghi nhớ, bé hào hứng nói điều đó mà quên mất tật nói lắp của mình. Vì vậy, ba mẹ hãy động viên trẻ kể lại một câu chuyện mình thích hay những điều thú vị đã học ở lớp.

Không ngắt lời trẻ: Đừng bắt bé nói lại hay ngắt lời bé giữa chừng. Hãy để bé tự nói và hoàn thành câu nói của mình. Sự cắt ngang lời nói của trẻ sẽ khiến trẻ giật mình, bối rối và tăng nói lắp.

Bắt đầu nói từ đơn giản: Người lớn không nên bắt trẻ nói nhiều tình huống phức tạp, không coi việc giao tiếp của trẻ căng thẳng quá. Hình thành phản xạ nói không bị lặp từ câu đơn giản, dần dần, từ từ kéo sang những từ khác.

Loại bỏ bầu không khí căng thẳng trong gia đình: Hãy tạo cho bé một gia đình hạnh phúc, ổn định để trẻ luôn thoải mái tinh thần. Khi thấy con nói lắp, bố mẹ cần kiên nhẫn sửa đổi chứ không nên chỉ trích, trừng phạt thậm chí đánh đập khiến bé càng thêm căng thẳng.

Làm gương cho trẻ: Hãy làm gương cho con bằng cách nói chậm, phát âm rõ ràng để trẻ học theo, không nên lặp lại câu hỏi hay câu nói với trẻ bởi trẻ có thể hiểu đó là cách nói đúng và học theo. Nếu gia đình có người nói lắp thì càng phải điều chỉnh lời nói cho thật rõ ràng mỗi khi giao tiếp với trẻ. Khi trẻ có thể nói chuyện chậm, rành rọt, ba mẹ đứng quên cho trẻ lời khen ngợi hay phần thưởng để tạo động lực.

4. Tật nói lắp ảnh hưởng như thế nào tới trẻ?

Tật nói lắp ở trẻ và những điều ba mẹ cần biết để khắc phục

Có lẽ đây là vấn đề mà phụ huynh quan tâm nhất. Ở giai đoạn bé tập nói thì nói lắp có thể coi là biểu hiện bình thường trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Nhưng về lâu dài và đến khi trẻ trưởng thành, tật nói lắp ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của trẻ:

- Tự ti trước đám đông, ngại giao tiếp với mọi người.

- Khi bị người khác trêu chọc, lâu dần trẻ có thể sinh ra tâm lý tiêu cực, bất mãn với mọi người hoặc trốn tránh, khép mình.

- Trẻ khó diễn đạt ý muốn của mình, nhất là trong những cuộc giao tiếp quan trọng (phỏng vấn, làm việc với khách hàng, thuyết trình trước tập thể....)

- Mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống

Tật nói lắp ở trẻ hiện không có thuốc để điều trị mà chủ yếu điều trị tâm lý và tự tập luyện. Nếu không khắc phục sớm, trẻ lớn lên có thể gặp trở ngại giao tiếp, tự tí, rụt rè trong cuộc sống. Vì vậy, ba mẹ hãy chú ý và điều chỉnh ngay cho bé ngay khi bé có hiện tượng nói lắp nhé.

Minh Thu

Bình luận về bài viết

Bạn đang tìm trường mầm non cho bé? Khám phá các trường mầm non tốt gần bạn

Học ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ, áp dụng các phương pháp giáo dục sớm tiên tiến

Trường mầm non chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt, nhiều hoạt động ngoại khoá